Khảo sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm thể độc lực cao type A/H5 trên đàn gia cầm tỉnh Đồng Tháp
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Hứa Quang Hải (Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp), Trần Ngọc Bích, Đào Huyền Trân, Nguyễn Hữu Trương (Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ), Bạch Tuấn Kiệt, Phan Đình Phi Phượng (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp), Tiền Ngọc Tiên (Chi cục Thú y vùng VII), Nguyễn Thanh Lãm (Bộ môn Thú y, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.
Virus cúm gia cầm thể độc lực cao type A/H5 (H5 highly pathogenic avian influenza viruses - H5 HPAIVs) thuộc dòng A/goose/Guangdong/1/1/1996 (Gs/GD) lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2001. Đến tháng 12 năm 2003, các chủng virus H5N1 khác thuộc dòng Gs/GD tiếp tục được phát hiện ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam và đến cuối năm 2004 các chủng virus đã gây ra các ổ dịch gia cầm lớn tại 57/64 tỉnh, thành phố. Đến nay, H5 HPAIVs vẫn là tác nhân gây bệnh quan trọng và gây ra hàng nghìn ổ dịch trên các đàn gia cầm nước ta. Theo số liệu thống kê, Đồng Tháp là một trong những tỉnh có đàn gia cầm khá lớn với tổng đàn gia cầm trên 5,49 triệu con và chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm ưu thế (chiếm 97,81% số hộ và 50,29% tổng đàn), chăn nuôi theo phươngthức chạy đồng, chăn nuôi nhiều loại gia cầm trong một hộ gia đình nên gây khó khăn cho công tác tiêm phòng vacxin, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của H5 HPAIVs. Bên cạnh đó, công tác quản lý ở các chợ buôn bán gia cầm sống chưa được chặt chẽ cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm H5 HPAIVs. Theo nghiên cứu khảo sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm ở chợ và hộ gia đình của hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, tỷ lệ lưu hành của HPAIVs subtype H5N1ở chợ là 3,29%. Sự lưu hành của HPAIVs subtype H5N1 trên đàn vịt khỏe ở tỉnh Bạc Liêu là 3,33% và tỉnh Cà Mau là 12,77%. Việc sử dụng vacxin phòng bệnh mang yếu tố quyết định trong quá trình ngăn chặn dịch cúm gia cầm, vì thế cần thường xuyên kiểm tra đánh giá sự lưu hành và độc lực của virus để có thể chọn được vacxin hiệu quả nhất; cũng được xem là giải pháp hữu hiệu giúp kiểm soát hiệu quả bệnh cúm gia cầm tại tỉnh Đồng Tháp.
Hình minh họa (Nguồn: Internet)
Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát sự lưu hành của virus cúm gia cầm độc lực cao type A/H5 (H5 highly pathogenic avian influenza viruses, H5 HPAIVs) trên đàn gia cầm tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019-2020. Nghiên cứu được tiến hành thông qua kết quả điều tra hồi cứu về tình hình chăn nuôi,số liệu giám sát cúm gia cầm trên đàn gia cầm của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian khảo sát, những thông tin này được Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cung cấp. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phát hiện H5 HPAIVs ở các mẫu khảo sát (bao gồm mẫu gà, vịt và mẫu môi trường) trong năm 2020 là 13,70% (43/312), tỷ lệ này ở năm 2019 là 7,00% (18/228). Trong ba loại mẫu thu thập nói trên đều phát hiện mẫu dương tính với H5 HPAIVs, trong đó mẫu vịt có tỷ lệ phát hiện cao nhất lần lượt là 83,33% (15/18) năm 2019 và 69,77% (30/43) năm 2020. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự đồng lưu hành của các HPAIVs thuộc subtype H5N1 và H5Nx trên đàn gia cầm tại tỉnh Đồng Tháp và có sự thay đổi về tỷ lệ lưu hành giữa các subtype này qua các năm. Đánh giá về tương quan giữa mật độ đàn gia cầm và sự lưu hành H5 HPAIVs giữa các địa phương ở tỉnh Đồng Tháp cho thấy các địa phương có mật độ gia cầm tăng cao (trên 15-20 con/ha) như thành phố Sa Đéc và huyện Châu Thành đều có sự hiện diện của H5 HPAIVs với một tỷ lệ nhất định.
Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022