SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tình hình sử dụng kháng sinh tại các trại gà thịt trên địa bàn tỉnh Nam Định và Thái Nguyên

[21/07/2023 14:31]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Lưu Quỳnh Hương (Hội Thú y Việt Nam và Viện Thú y), Lê Thị Hồng Nhung, Nguyễn Văn Cảm (Hội Thú y Việt Nam), Trần Thị Thu Hằng, Đỗ Thị Thu Thúy, Hoàng Minh Đức, Nguyễn Thị Thanh Huyền và Nguyễn Thị Thu Hằng (Viện Thú y) thực hiện.

Thái Nguyên và Nam Định là hai tỉnh chăn nuôi gà lớn và lâu đời của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo Chi cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên (2020), 6 tháng đầu năm 2020, đàn gia cầm có 8.364 nghìn con, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Huyện Phú Bình được biết đến là địa phương chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, theo quy mô trang trại, hợp tác xã, với thương hiệu gà đồi Phú Bình và các sản phẩm chăn nuôi khác. Huyện Phú Bình là địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lớn nhất trong toàn tỉnh với trên 120 trang trại chăn nuôi gia cầm, 70 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Bên cạnh đó, theo Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, 9 tháng đầu năm 2021 chăn nuôi của tỉnh Nam Định phát triển ổn định, đàn gia cầm ước tính 9,1 triệu con; tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vụ Bản là huyện có chăn nuôi gà khá phát triển, gần đây các trại chăn nuôi tại đây chú trọng vào phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, hợp tác xã, đồng thời áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Tiêu chảy là bệnh xảy ra khá là phổ biến trong quá trình chăn nuôi gà, đặc biệt bệnh thương hàn do Salmonella spp. gây ra, có tỷ lệ chết cao. Bên cạnh đó còn có rất nhiều những mầm bệnh khác xảy ra trong quá trình chăn nuôi, chính vì vậy người nuôi gà rất hay trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn để phòng bệnh tiêu chảy và các mầm bệnh khác. Việc sử dụng thuốc thú y và kháng sinh trong chăn nuôi gà tại Thái Nguyên và Nam Định nói riêng cũng như trên cả nước nói chung chưa được quản lý chặt chẽ. Các trại vẫn sử dụng kháng sinh tràn lan, đặc biệt để phòng ngừa bệnh cho gà. Nghiên cứu trên các trại chăn nuôi gà tại một số tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam của Việt Nam cho thấy có tới 87,9% số trại điều tra sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gà, trong đó 62,1% các trại sử dụng kháng sinh cho mục đích điều trị và 37,8% cho mục đích phòng ngừa. Sử dụng kháng sinh không hợp lý trong chăn nuôi có thể dẫn tới sự tồn dư kháng sinh trong thịt và các sản phẩm động vật, gây tác động xấu tới sức khoẻ của người tiêu dùng, ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái. Lạm dụng, sử dụng kháng sinh sai cách trong chăn nuôi có thể gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Việc truyền gen kháng thuốc từ chăn nuôi sang người qua nhiều con đường khác nhau gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe con người và gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh trong nhân y và thú y. Tình trạng kháng thuốc ở vật nuôi có thể dẫn đến việc điều trị các bệnh do vi khuẩn trở nên khó khăn, dẫn đến người chăn nuôi chuyển sang sử dụng các loại thuốc kháng sinh được coi là cực kỳ quan trọng để điều trị bệnh cho người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định danh sách các chất kháng khuẩn được coi là cực kỳ quan trọng (bao gồm cephalosporin thế hệ thứ 3, 4 và 5, glycopeptides, macrolide, polymyxins và quinolone) và cần tránh trong chăn nuôi. Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh bổ sung thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng đã bị cấm kể từ ngày 1/1/2018 (Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016).

Nghiên cứu được tiến hành trên 100 trại chăn nuôi gà thịt tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên nhằm đánh giá tình hình sử dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kháng sinh là khá phổ biến tại các địa phương. Có 13 loại kháng sinh được sử dụng trong các trại chăn nuôi, trong đó amoxicillin (76%), doxycylin (32%) và florfenicol (28%) được dùng phổ biến tại Thái Nguyên. Tại Nam Định, kháng sinh được sử dụng phổ biến là ampicillin (28%), ampicillin-colistin (24%) và doxycylin-tylosin (16%). Có 54% số trại chăn nuôi tại tỉnh Thái Nguyên sử dụng liều kháng sinh cao gấp 1,5-2 lần so với liều hướng dẫn của nhà sản xuất so với tỉnh Nam Định (14%). Việc sử dụng kháng sinh không kiểm soát tại các trại chăn nuôi có thể làm tăng nguy cơ kháng thuốc kháng sinh của các vi khuẩn gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ