Tình hình nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa trên bò sữa tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Cảm Nguyễn, Lý Hồng Sơn, Vương Khả Anh Sơn, Lê Minh Nhựt và Dương Tiểu Mai thuộc Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đã bắt đầu phát triển từ năm 1990 và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Năm 2012, tổng đàn bò sữa cả nước đã đạt khoảng 170.000 con với sản lượng sữa khoảng 381.740 tấn. Chăn nuôi bò sữa tập trung chủ yếu ở miền Nam của Việt Nam đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh nơi có số lượng bò sữa khoảng 83.370 con (chiếm 49% đàn bò sữa cả nước) và sản xuất sản lượng sữa khoảng 225.864 tấn sữa (chiếm 59,2% sản lượng sữa của cả nước). Củ Chi là một huyện nằm ở ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh với nhiều thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp mà đặc biệt là chăn nuôi bò sữa và đồng cỏ. Nghề nuôi bò sữa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân ở 20 xã, thị trấn của huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, có rất nhiều hộ chăn nuôi và trang trại bò sữa được hình thành, với quy mô trang trại từ 30 đến hơn 200 con. Nơi đây là “thủ phủ” của ngành chăn nuôi bò ở miền nam Việt Nam và cũng là nguồn cung cấp trữ lượng sữa bò rất lớn và chủ yếu cho các công ty sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam như Vinamilk, Dutch Lady.... Dựa trên số liệu thống kê năm 2015 của Tạp chí Tài chính (Bộ Tài chính), trên địa bàn huyện tổng đàn bò sữa khoảng hơn 60.000 con, trong đó xã Tân Thạnh Đông có đàn bò sữa lớn nhất huyện với gần 20.000 con.
Hình minh họa (Nguồn: Internet)
Bệnh về ký sinh trùng là một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến ngành chăn nuôi ở những quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ký sinh trùng đường tiêu hóa gây thiệt hại đáng kể về kinh tế chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò sữa nói riêng do làm giảm tăng trọng, xáo trộn tiêu hóa, giảm sản lượng sữa, chi phí điều trị và thậm chí là loại thải bò.
Hiện nay, trên thế giới và khu vực đã có nhiều nghiên cứu đầy đủ và có chương trình kiểm soát và hạn chế bệnh do ký sinh trùng đường tiêu hóa. Tỷ lệ lưu hành ký sinh trùng đường tiêu hóa trên bò sữa ở một số quốc gia châu Á thay đổi từ 46,6% đến 86,9%. Tỷ lệ này ở các nước châu Âu dao động từ 15% đến 20%; trong khi ở châu Phi và châu Mỹ lần lượt là 52,9% và 50,5%. Ở Việt Nam, những nghiên cứu vấn đề về bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa trên bò sữa vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, không có nhiều những nghiên cứu về vấn đề này được thực hiện ở khu vực Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu đã được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ lưu hành và cường độ nhiễm cũng như tìm mối liên hệ của các yếu tố địa phương, quy mô đàn, giới tính, độ tuổi và điểm thể trạng liên quan đến tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa ở bò sữa tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số 300 mẫu phân bò sữa giống Holstein Friesian lai, không phân biệt giới tính, từ 2,5 tháng đến 7 năm tuổi đã được thu thập và xét nghiệm bằng các phương pháp định tính và định lượng để xác định ký sinh trùng trưởng thành dựa trên hình dạng và kích cỡ của trứng giun sán hoặc noãn nang cầu trùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 179/300 (59,7%) mẫu dương tính với ít nhất một loài ký sinh trùng đường tiêu hóa. Tỷ lệ lưu hành của sán lá dạ cỏ (Paramphistomum spp.), giun xoăn dạ múi khế (Trichostrongylus spp.) và cầu trùng (Eimeria spp.) ở mẫu phân dương tính với ký sinh trùng lần lượt là 32,0%; 28,0% và 23,7%. Cường độ nhiễm ký sinh trùng ở mức độ nhẹ. Yếu tố địa phương, độ tuổi, giới tính có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm cầu trùng. Trong khi đó, điểm thể trạng có liên quan đến tỷ lệ nhiễm sán lá dạ cỏ trên bò sữa.
Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022