Tình hình nhiễm giun sán trên bò sữa ở các nồng độ của Huyện Hóc Môn và Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
Nghiên cứu do hai tác giả Nguyễn Kiên Cường và Lê Xuân Hiền thuộc Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi bò sữa lâu đời và phát triển nhất cả nước. Từ năm 2001 - 2011, tổng đàn bò sữa của Thành phố luôn chiếm hơn 50% tổng đàn của cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm dần từ năm 2012 và đến năm 2019 chỉ còn 19,2%. Từ năm 2015 đến 2020, đàn bò sữa của thành phố giảm rất mạnh; trung bình 12,3%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do diện tích đồng cỏ bị thu hẹp (do tốc độ đô thị hóa cao), tiêu chuẩn thu mua sữa của các công ty đòi hỏi ngày càng cao... Tính đến tháng 9 năm 2020, tổng đàn bò sữa của thành phố khoảng 56.314 con (chiếm 17,6% cả nước) và tổng lượng sữa khoảng 176,4 nghìn tấn. Chăn nuôi bò sữa ở thành phố chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình quy mô nhỏ (chiếm 98% tổng đàn) và chủ yếu tập trung ở hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Năm 2019, số hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố là 4.679 hộ, trung bình 13 con/hộ.
Hình minh họa (Nguồn: Internet)
Bệnh giun sán là một trong những bệnh thường gặp trên bò nói chung và bò sữa nói riêng, nhất là những nơi đồng bằng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như miền Nam. Khi nhiễm vào bò sữa, giun sán sẽ tự nuôi dưỡng bằng ăn tổ chức của ký chủ, chiếm đoạt một phần thức ăn của ký chủ đã tiêu hóa, hoặc hút máu ký chủ, từ đó làm bò giảm khả năng tăng trọng, giảm sản xuất sữa, giảm năng suất sinh sản, giảm chất lượng thịt và tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Ở nước ta, một số nghiên cứu về ký sinh trùng đường tiêu hóa nói chung, giun sán nói riêng trên bò thịt đã được thực hiện ở một số tỉnh, thành. Tỷ lệ bò thịt nhiễm sán lá gan ở một số tỉnh như Đồng Nai, đồng bằng sông Cửu Long,ở Thái Nguyên, dao động từ 34,7% đến 53,3%. Tỷ lệ nhiễm sán lá dạ cỏ trên bò thịt ở nước ta cũng được ghi nhận rất cao, từ 66,7% đến 71,8%. Một số nghiên cứu đã công bố tỷ lệ bò thịt nhiễm giun tròn từ 56,7% đến 85,0%. Tuy nhiên, bệnh giun sán trên bò sữa ở nước ta, nhất là bò sữa chăn nuôi hộ gia đình chưa được nghiên cứu nhiều. Do đó, mục đích của nghiên cứu này nhằm đánh giá tình hình nhiễm giun sán trên bò sữa ở nông hộ và phân tích một số yếu tố ảnh hưởng để từ đó làm cơ sở cho việc phòng trị bệnh này hiệu quả và góp phần nâng cao năng suất bò sữa.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tình hình nhiễm giun sán trên bò sữa ở các nông hộ của huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng số 219 mẫu phân của 219 bò giống lai Holtein Friesian (bò tơ, bò vắt sữa và bò cạn sữa) của 10 nông hộ chăn nuôi bò sữa đã được thu thập và xét nghiệm trứng giun sán bằng phương pháp phù nổi và lắng gạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bò nhiễm giun sán là rất cao (71,7%). Trong đó, tỷ lệ bò nhiễm giun tròn là cao nhất (60,7%); tỷ lệ bò nhiễm sán lá gan và sán dạ cỏ lần lượt là 17,4% và 45,2%; tỷ lệ bò nhiễm hai hoặc ba loại ký sinh trùng trên là 42,9%. Bò tơ có tỷ lệ nhiễm giun sán (54,1%) thấp hơn so với bò đẻ lứa 1 và 2 (84,1%; P<0,001) và lứa ≥ 3 (78,0%; P=0,002). Nhóm bò được xổ giun sán có tỷ lệ nhiễm (42,3%) thấp hơn (P<0,001) nhóm bò không được xổ (87,9%). Tỷ lệ nhiễm này cũng cao hơn (P<0,001) trên nhóm bò ăn cỏ cắt từ ruộng (78,1%) so với nhóm bò ăn cỏ cắt từ vườn (52,7%). Bò nhiễm giun sán có điểm thể trạng thấp hơn bò không nhiễm (2,65 so với 2,80; P<0,001).
Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022