Khảo sát tình hình nhiễm cầu trùng trên dê và đánh giá hiệu quả điều trị của Amprolium và Toltrazuril tại Tỉnh Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu do hai tác giả Điền Thái Sơn và Nguyễn Hữu Hưng thuộc Khoa Nông Nghiệp, trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Cùng với sự tăng nhanh về số lượng đàn dê và quy mô đàn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), người chăn nuôi đang chú trọng nâng cao chất lượng của sản phẩm thịt dê để tạo ra giá trị kinh tế cao và cung cấp thực phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Để làm được điều đó thì bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng tốt người chăn nuôi cần phải phòng bệnh cho đàn dê để giảm thiểu những thiệt hại trong quá trình chăn nuôi. Ngoài những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp như tụ huyết trùng, lở mồm long móng thì các bệnh do ký sinh trùng gây ra trong đó đặc biệt là bệnh cầu trùng.
Hình minh họa (Nguồn: Internet)
Bệnh cầu trùng do Eimeria xảy ra trên toàn thế giới và là bệnh gây thiệt hại về kinh tế với tỷ lệ nhiễmcao ở dê. Bệnh cầu trùng làm giảm tăng trọng của dê một cách nghiêm trọng, hiệu suất sản xuất chung của dê và trong một số trườnghợp dê có thể chết do không được điều trị. Ở tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu về tình hình nhiễm các loài cầu trùng trên dê và mức độ nguy hại do chúng gây ra một cách hoàn chỉnh, các kết quả còn khá khiêm tốn.
Tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ là hai trong số nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL đang phát triển chăn nuôi dê từ quy mô nhỏ đến quy mô vừa. Tuy nhiên, đa phần các hộ nuôi đều gặp trở ngại trong việc phòng chống bệnh cầu trùng vì dê dễ mắc phải và hay tái nhiễm trong quá trình nuôi dẫn đến làm giảm hiệu quả và năng suất chăn nuôi.
Khảo sát tình hình nhiễm cầu trùng trên dê tại tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ được thực hiện từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021, nhằm khảo sát tỷ lệ nhiễm và định danh các loài cầu trùng trên dê tại địa bàn hai tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Khảo sát được tiến hành trên cơ sở thu thập 414 mẫu phân dê từ 4 nhóm tuổi: dưới 4 tháng tuổi, 4-12 tháng tuổi, trên 12 tháng tuổi và dê sinh sản. Thử nghiệm hiệu quả của 2 loại thuốc trị bệnh cầu trùng cho 24 con dê nhiễm cầu trùng với cường độ nhiễm 3+ và 4+ với 4 phác đồ cũng đã được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy đàn dê tại địa bàn khảo sát nhiễm cầu trùng với tỷ lệ nhiễm khá cao (82,37%). Tỷ lệ nhiễm cầu trùng trên dê ở tỉnh Vĩnh Long (83,49%) cao hơn ở thành phố Cần Thơ (81,19%). Dê ở mọi độ tuổi đều nhiễm cầu trùng, trong đó dê con giai đoạn dưới 4 tháng tuổi nhiễm cao nhất (98,20%), 4-12 tháng tuổi (91,43%), trên 12 tháng tuổi (75,79%) và thấp nhất là ở dê sinh sản (62,14%). Dê ở tất cả lứa tuổi đều nhiễm cầu trùng với cường độ từ 1+ đến 3+. Riêng dê ở độ tuổi từ dưới 4 tháng tuổi và dê từ 4-12 tháng tuổi nhiễm ở 4 mức độ từ nhẹ đến nặng (nhiễm từ 1+ đến 4 +). Dê ở độ tuổi từ 7-12 tháng và lớn hơn 12 tháng có tỷ lệ, cường độ nhiễm giảm dần. Đàn dê có hiện tượng nhiễm ghép các loài cầu trùng, dê ở lứa tuổi <4 tháng tuổi và 4-12 tháng tuổi đều nhiễm từ 2 loài/cá thể đến 4 loài/cá thể ở dê nuôi tại cả 2 tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Tỷ lệ nhiễm ghép 4 loài/cá thể không tìm thấy ở dê >12 tháng và dê sinh sản. Có 4 loài cầu trùng là: E. alijevi, E. ninakohlyakimovae, E. christenseni và E. arloingi được tìm thấy ở cả 2 tỉnh khảo sát. Thuốc toltrazuril 5% với liều 1,4ml/2,5 kg thể trọng và amprolium 9,6% với liều 1ml/10kg thể trọng và liều 1,4ml/10kg thể trọng, cho uống liên tiếp 5 ngày cho hiệu quả điều trị cao.
Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022