SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát chất lượng nước dùng cho chăn nuôi và nước thải chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi lợn thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ

[21/07/2023 14:35]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Lê Hồng Phong, Võ Minh Châu, Bùi Huy Hoàng, Bùi Thị Diễm Hằng, Nguyễn Thị Thi, Nguyễn Thị Kim Cúc và Nguyễn Minh Hiếu thuộc Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II thực hiện.

Chăn nuôi hiện đang là một ngành mũi nhọn trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đa dạng vật nuôi, đóng góp vào an ninh dinh dưỡng quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào những nguồn nhập khẩu, trong đó có chăn nuôi lợn. “Phát triển chăn nuôi bền vững” được coi là có thể đạt được thông qua sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả hơn, quản lý chất thải động vật tốt hơn, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chất lượng nước dùng phục vụ cho chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức và chất thải chăn nuôi chính là mối nguy hại lớn tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng nếu không được xử lý triệt để.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Quá trình chăn nuôi hiện nay đang ngày một hiện đại hóa, nước dùng cho chăn nuôi đang được đưa vào tự động hóa nên có không ít cơ sở đang dần quên đi vai trò quan trọng của chất lượng nước dùng đối với sự thành bại trong chăn nuôi. Chất thải động vật và các chất hóa học được sử dụng vào những hoạt động chăn nuôi là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm cả nước mặt và nước ngầm ở nhiều cấp độ khác nhau. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận nước thải từ các trang trại chăn nuôi là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước uống, sau khi xả ra kênh rạch, nước thải chảy vào sông Sài Gòn, đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và nước uống chính cho thành phố. Do đó, việc quản lý không tốt chất thải phát sinh từ các trang trại chăn nuôi lợn đã và đang gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là đối với môi trường nước xung quanh các khu vực chăn nuôi lợn tập trung. Xuất phát từ thực tiễn trên, vấn đề khảo sát chất lượng nước dùng và nước thải chăn nuôi tại cơ sở chăn nuôi lợn thuộc các tỉnh miền Đông Tây Nam Bộ cần phải được thực hiện thường xuyên hơn nhằm có cái nhìn tổng quan về thực trạng, đồng thời là cơ sở để đưa ra những khuyến cáo và đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Nghiên cứu được tiến hành nhằm khảo sát chất lượng nước dùng và nước thải chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi lợn thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng và Tây Ninh. Tổng cộng 290 mẫu nước dùng, 111 mẫu nước thải chăn nuôi được thu thập trong 2 năm 2019-2020. Kết quả xét nghiệm nước dùng chăn nuôi có 100% mẫu đạt yêu cầu cho phép đối với các chỉ tiêu nitrite, TS, đồng, kẽm, xyanua, chì, thủy ngân và cadimi; 0,34-26,52% mẫu không đạt yêu cầu cho phép đối với một số chỉ tiêu khác, trong đó ghi nhận các mẫu khác nhau có chỉ tiêu sắt và mangan có hàm lượng phát hiện cao hơn 5,0 lần, chỉ tiêu Coliforms tổng số cao hơn 153 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép tối đa của quy chuẩn, đặc biệt có trường hợp 48 mẫu nước dùng nhiễm Fecal Coliforms. Kết quả xét nghiệm nước thải chăn nuôi cho thấy có 100% mẫu đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu asen, thủy ngân, chì, cadimi; 1,80-65,77% mẫu không đạt yêu cầu với ngưỡng cho phép đối với một số chỉ tiêu khác, trong đó đã ghi nhận các mẫu khác nhau có chỉ tiêu phospho tổng cao hơn 5,42 lần; TSS cao hơn 7,75 lần; nitơ tổng cao hơn 29,61 lần; amoni cao hơn 35,44 lần; COD cao hơn 86,24 lần; BOD cao hơn 105,64 lần và chỉ tiêu Coliforms cao hơn 220 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép của quy chuẩn.

Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Thú y Tập XXIX Số 1 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ