Đánh giá tình hình sâu bệnh hại, năng suất và chất lượng của một số giống dưa lưới (Cucumis melo L.) nhập nội trong điều kiện nhà màng
Dưa lưới là loài cây ăn quả nhập nội có giá trị kinh kế cao và ngày càng được lựa chọn trồng phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Năng suất và chất lượng của các giống phụ thuộc nhiều vào các điều kiện trồng và chăm sóc. Sự xuất hiện của sâu bệnh hại là một trong những hạn chế lớn trong canh tác dưa lưới ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng quả. Do đó, nghiên cứu nhằm tuyển chọn giống dưa lưới nhập nội có thích ứng tốt, ít sâu bệnh hại, cho năng suất và chất lượng cao trong điều kiện nhà màng là rất cấp thiết hiện nay.
Ảnh minh họa: Internet
Dưa lưới (Cucumis melo L.) thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae, bộ Cucurbitales, lớp Agnoliopsida và ngành Magnoliophyta, là cây trồng nhiệt đới có nguồn gốc từ châu Phi (Zainal et al. 2013; Preeti và Raju, 2017; Waseem et al., 2018). Dưa lưới hiện nay đang được trồng phổ biến rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Ở Việt Nam dưa lưới mới được trồng phổ biến trong 10 năm trở lại đây tại các trang trại ở các tỉnh có áp dụng công nghệ cao như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Lạt,… tuy mới xuất hiện được không lâu nhưng dưa lưới được rất nhiều người tin dùng vì mẫu mã đẹp, thịt dưa dày, giòn, chất lượng ăn rất ngon. Dưa lưới có rất nhiều loại, mỗi loại có một hương vị riêng. Dựa vào màu sắc ruột dưa lưới, có 2 loại dưa lưới phổ biến nhất là dưa lưới ruột vàng và dưa lưới ruột xanh. Cả dưa lưới ruột vàng và dưa lưới ruột xanh đều có hương vị cực kỳ thơm ngon, thanh mát và giàu dinh dưỡng. Thời gian sinh trưởng tương đối ngắn 70 – 80 ngày nên có thể trồng 03 đến 04 vụ/ năm, có giá trị kinh tế cao so với trồng các loài cây trồng khác.
Dưa lưới là loại cây trồng “khó tính”, nếu canh tác theo cách truyền thống, cây rất khó sinh trưởng và phát triển tốt. Do vậy, dưa lưới thường được canh tác trong nhà màng, nhà lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhà màng giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, từ đó giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, tạo ra nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng... hợp tác xã nông nghiệp Thanh Bình cho rằng: “Trồng dưa lưới trong nhà màng, có ứng dụng công nghệ cao, hơn hẳn mọi mặt về chất lượng, mẫu mã, giá trị thương phẩm cao gấp 3 lần so với cách thức trồng dưa thông thường mà người nông dân hiện nay đang áp dụng trên đồng ruộng” (Quý, 2022).
Sâu bệnh hại dưa lưới chính là một trong những nguyên nhân là giảm năng suất tiềm năng, chất lượng và gây thiệt hại lớn. Rashid et al (2016) cho biết loài bọ cánh cứng Raphidopalpa foveicollis (RPB) đã gây ra thiệt hại khoảng 35% - 75% đối với cây dưa lưới ở giai đoạn ra lá và quả. Capinera (2005), kết luận ruồi đục quả gây hại nặng cho quả dưa lưới do ruồi cái đẻ trứng vào quả chưa trưởng thành. Robinson and Decker-Walters (1997) cho rằng loài sâu xanh ăn lá (Diaphania hyalinata) có thể làm giảm năng suất lên đến 33% do lá bị hại.
Các tác nhân gây bệnh khác nhau, chẳng hạn như vi khuẩn, nấm và vi rút, được biết là có thể gây bệnh cho dưa lưới; sự phân bố và tác động của chúng đối với cây dưa lưới khác nhau trên khắp thế giới. Trong số các bệnh do nấm gây ra có bệnh chết héo do nấm Fusarium, bệnh phấn trắng, bệnh cháy lá do nấm Alternaria và bệnh cháy bìa lá là các bệnh gây hại phổ biến. Tại Sudan, có bệnh héo Fusarium, do nấm Fusarium oxysporum f.sp. melonis, và bệnh phấn trắng do Sphaerotheca fuliginea gây ra, đã được báo cáo là gây ra sự phá hủy nghiêm trọng đối với các cây dưa lưới thương mại ở Sudan, có thể mất tới 40% do nấm Fusarium (Mohamed et al. 1994, 1995). Theo Lê Thị Tuyết Hạnh (Hạnh, 2012), điều tra thành phần sâu hại và thiên địch trên dưa lưới tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy thành phần sâu hại trên dưa lưới trong nhà màng được ghi nhận gồm 9 loài thuộc 5 bộ côn trùng. Trong đó bọ trĩ Thrips palmi Karny và Frankliniella occidentalis (Peragande) là loài gây hại chủ yếu trong nhà màng.
Đắk Lắk có điều kiện khí hậu tương đối thích hợp cho cây dưa lưới sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, việc lựa chọn giống dưa lưới và chế độ dinh dưỡng khác nhau cho cây dưa lưới trong điều kiện nhà màng ứng dụng công nghệ cao thì sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của dưa lưới cũng khác nhau. Theo báo cáo của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, nhu cầu dinh dưỡng đa lượng chủ yếu trong suốt chu kỳ sinh trưởng của cây dưa lưới áp dụng công nghệ tưới tự động và bán tự động trong nhà màng tại Đắk Lắk đã xác định là: N 580 - 720 ppm; P 160 - 300 ppm; K 880 - 1.080 ppm (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam trung bộ, 2018). Vì vậy, khâu chọn giống là rất quan trọng, hiện nay thị trường có rất nhiều giống dưa lưới, hầu hết là giống lai F1 nhập nội làm cho người sản xuất gặp khó khăn trong việc lựa giống thích nghi với điều kiện tự nhiên nơi sản xuất. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tuyển giống dưa lưới nhập nội có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao và ít sâu bệnh hại trong điều kiện nhà màng cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường tại địa phương.
Kết quả đánh giá 4 giống nhập nội cho thấy, giống Saket 70 xuất xứ từ Thái Lan, được trồng trong điều kiện nhà màng ít bị sâu bệnh hại nhất (chỉ có rệp và bệnh phấn trắng đều xuất hiện ở mức ít), cho năng suất và chất lượng quả tốt nhất so với 3 giống còn lại (đạt 38,7 tấn/ha, độ Brix 12,53, thịt quả dày, màu cam, ăn giòn). Kết quả này có ý nghĩa bước đầu cho những nghiên cứu của giống ở các thời vụ tiếp theo nhằm đưa ra kết luận chính xác hơn về khả năng thích nghi của giống dưa lưới nhập nội.
Tạp chí trường Đại học Tây Nguyên, Số 55, tháng 8-2022