SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số kết quả ban đầu về thử nghiệm nuôi ễnh ương (Kaloula Pulchra) bằng các loại thức ăn tươi sống

[24/07/2023 09:39]

Loài ễnh ương (Kaloula pulchra) là lưỡng cư phân bố nhiều nơi trên thế giới và Đông Nam Á. Trong nông nghiệp, chúng được nuôi trong các nông trại, các vườn rau an toàn để làm thiên địch tiêu diệt côn trùng gây hại cây trồng. Tuy nhiên, nguồn lợi ễnh ương trong tự nhiên đã suy giảm do nhiều nguyên nhân như bị khai thác quá mức để làm thực phẩm, bị tác động xấu do ô nhiễm môi trường. Trên thế giới, hiện tại chưa ghi nhận được 1 nghiên cứu nào về sản xuất giống hay nuôi nhân tạo ễnh ương.

Các nghiên cứu về ễnh ương hiện nay chỉ dừng lại ở nghiên cứu phân bố, môi trường sống, phổ thức ăn, tính ăn và mô tả các đặc điểm hình thái. Tại Việt Nam, bước đầu đã có một vài nghiên cứu về sản xuất giống nhân tạo ễnh ương. Tuy nhiên, các nghiên cứu này hiện đang dừng lại ở mức thăm dò khả năng sinh sản nhân tạo của ễnh ương dưới tác động của các loại hormone sinh sản. Tỷ lệ sống của ễnh ương con thu được trong quá trình nuôi thử nghiệm sau sản xuất giống nhân tạo chưa cao, chỉ dao động từ 10,5-20,9%. Nguyên nhân làm tỷ lệ sống của ễnh ương trong quá trình nuôi thử nghiệm còn thấp là do sau khi biến thái, trong điều kiện nhân tạo, ễnh ương con chưa tìm được loại thức ăn thích hợp nên chúng bắt mồi yếu, kém ăn, suy nhược dẫn đến không tăng trưởng rồi chết. Với tỷ lệ sống này, việc nuôi nhân tạo ễnh ương chưa thể áp dụng vào thực tiễn vì chi phí để tạo ra 1 con ễnh ương thành phẩm là rất cao, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Vì vậy, việc tìm ra loại thức ăn thích hợp để nuôi thử nghiệm ễnh ương con là điều cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng để từng bước đưa quy trình nuôi ễnh ương ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

1. Vật liệu nghiên cứu

Ễnh ương con: Ễnh ương con dùng nuôi thử nghiệm có nguồn gốc từ sản xuất giống nhân tạo, kế thừa con giống từ đề tài “Nghiên cứu sử dụng một số loại hormone sinh sản khác nhau để sản xuất giống nhân tạo ễnh ương (Kaloula pulchra) tại trại thực nghiệm” của Trường Đại học Tiền Giang. Khối lượng của ễnh ương con (20 ngày tuổi, tính từ ngày trứng nở) sử dụng để nuôi thử nghiệm dao động từ 145,6-153,9 mg/con và chiều dài dao động từ 11,78-11,94 mm/con.

Thức ăn thí nghiệm: Nghiên cứu sử dụng trùn chỉ (41% đạm), trùn quế (13,5% đạm), sâu gạo (20% đạm) và sâu canxi (ấu trùng ruồi lính đen, 40% đạm) để nuôi ễnh ương. Kết quả hàm lượng đạm tổng trên mẫu tươi của các loại thức ăn được phân tích tại Trung tâm Sắc ký Hải Đăng - thành phố Hồ Chí Minh. Cách thức sử dụng: Sâu canxi, mua trứng từ trại nuôi về ấp lấy ấu trùng (2 ngày tuổi) cho ăn; Trùn chỉ mua ở tiệm cá cảnh về cho vào thau, đổ đầy nước và để dưới vòi nước cho nước chảy nhỏ, từ từ để trùn chỉ sống được; Sâu gạo mua ở các tiệm cá cảnh về sử dụng cho ăn; Trùn quế được mua từ trại nuôi về cho ăn.

Dụng cụ và thiết bị: Thước kẻ (chia vạch đến 1 mm) dùng để đo chiều dài ễnh ương. Muỗng inox dùng chia thức ăn trong quá trình nuôi. Đĩa sứ dùng đựng thức ăn và nước uống trong quá trình nuôi. Vợt lưới để hỗ trợ bắt ễnh ương trong quá trình bố trí và thu thập số liệu. Cân điện tử (3 số lẻ) dùng cân trọng lượng ễnh ương. Máy đo pH đất kết hợp độ ẩm đất (Takamura DM15) để đo pH đất, độ ẩm đất. Nhiệt kế để đo nhiệt độ trong lồng nuôi.

2. Bố trí thí nghiệm nuôi ễnh ương

Hệ thống thí nghiệm: Ễnh ương con được bố trí nuôi trong các mùng lưới (0,25 m2) với mật độ 100 con/m2. Phía trong trồng giá thể (rau muống, rau má phủ 50%) tạo nơi ẩn nấp cho ễnh ương con. Nền đáy là đất thịt + mụn dừa (dày 2 cm) để tạo độ ẩm cho đất.

Bố trí thí nghiệm: Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức (NT) thức ăn gồm NT1 (50% trùn chỉ +50% sâu gạo), NT2 (100% sâu gạo), NT3 (50% trùn chỉ+50% trùn quế), NT4 (100% trùn quế) và NT5 (50% sâu canxi+50% sâu gạo). Mỗi NT được lặp lại 3 lần với thời gian nuôi là 30 ngày.

Chăm sóc thí nghiệm: Trong mỗi mùng lưới bố trí 1 đĩa nước và 1 đĩa thức ăn (đường kính 10 cm), nước được thay hằng ngày. Thức ăn được cung cấp theo khẩu phần 10% trọng lượng thân của tổng khối lượng ễnh ương thả nuôi. Thức ăn được cung cấp vào lúc 18 giờ mỗi ngày, 6 giờ sáng hôm sau tiến hành tính lượng thức ăn và vớt bỏ thức ăn dư thừa, điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp cho ngày sau. Lượng thức ăn dư thừa hoặc lượng thức ăn chết được cân và trừ lại lượng thức ăn của ngày trước. Độ ẩm là 1 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến ễnh ương nên nghiên cứu cấp nước vào buổi trưa để giữ ẩm trong các ô mùng lưới.

3. Thu thập và xử lý số liệu

3.1. Các chỉ tiêu về môi trường

- Nhiệt độ trong lồng lưới (0C) được đo bằng nhiệt kế, 5 ngày đo lần, đo ban ngày và ban đêm (lúc 12 giờ và 19 giờ) từ ngày bố trí đến khi kết thúc thí nghiệm.

- Độ ẩm đất và pH đất được đo bằng máy Takamura DM15, 5 ngày đo 1 lần từ ngày bố trí đến khi kết thúc thí nghiệm.

3.2. Các chỉ tiêu về tăng trưởng và tỷ lệ sống

- Tăng trưởng: Sự tăng trưởng của ương ễnh ương con được ghi nhận qua chiều dài và khối lượng. Chiều dài ễnh ương (mm/con) được đo bằng thước kẻ chia vạch (đến 1 mm), đo từ đầu đến chót đuôi tiêu biến. Khối lượng ễnh ương (mg/con) được cân bằng cân điện tử 3 số lẻ.

+ Tăng trưởng về chiều dài (LG): LG (mm/ con) = L30 - L0.

+ Tăng trưởng theo ngày về chiều dài (DLG): DLG (mm/con/ngày) = (L30 - L0)/30.

+ Tăng trưởng về khối lượng (WG): WG (mg/ con) = W30 - W0.

+ Tăng trưởng theo ngày về khối lượng (DWG): DWG (mg/con/ngày) = (W30 - W0)/30.

Trong đó: L0 là chiều dài đầu (mm); L30 là chiều dài lúc kết thúc TN (mm); W0 là khối lượng ban đầu (mg); W30 là khối lượng lúc kết thúc TN (mg); t là thời gian nuôi (t=30 ngày).

- Tỷ lệ sống (TLS): TLS (%) = [Số ễnh ương con thu được khi kết thúc thí nghiệm/Số ễnh ương thả nuôi ban đầu] x 100.

3.3. Chi phí thức ăn

Chi phí thức ăn nuôi 1 con ễnh ương (CPTA): CPTA (đồng/con)= (Lượng thức ăn sử dụng x Đơn giá)/Số con thu được.

3.4. Xử lý số liệu

Số liệu được xử lý trên SPSS 20.0. Phân tích ANOVA 1 nhân tố bằng phép thử Duncan để so sánh sự khác biệt về tăng trưởng, tỷ lệ sống và chi phí thức ăn của ễnh ương giữa các nghiệm thức với nhau.

4. Kết luận

Ễnh ương ăn thức ăn ở NT5 (50% sâu canxi+50% sâu gạo) có tăng trưởng về chiều dài (LG: 3,8 mm/con, DLG: 0,13 mm/con/ngày), tăng trưởng về khối lượng (WG: 273,9 mg/con, DWG: 9,1 mg/con/ngày) và tỷ lệ sống (26,7%) đạt cao nhất. Chi phí thức ăn dùng nuôi ễnh ương ở NT5 cũng thấp nhất với 171 đồng/con/30 ngày nuôi. Loại thức ăn thích hợp (cho hiệu quả kỹ thuật và kinh tế cao nhất) để nuôi ương ễnh ương từ giai đoạn sau biến thái đến 30 ngày là sâu canxi kết hợp với sâu gạo theo tỷ lệ 1:1.

Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ