Đánh giá mức độ chính xác của một số công thức tính tieu hao năng lượng lúc nghỉ ở bệnh nhân không khí nhân tạo xâm nhập
Nghiên cứu nhằm so sánh độ chính xác của các công thức Harris – Benedict (H-B), Harris – Benedict có thêm hệ số 1.2 (H-B x 1.2), Penn State 2003 (PS2003), công thức 25kcal/kg và 30kcal/kg khi tính tiêu hao năng lượng lúc nghỉ (REE) với kết quả đo của kỹ thuật đo nhiệt lượng gián tiếp (IC).
Dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị, đặc biệt với những đối tượng bệnh nhân nặng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, dinh dưỡng dưới mức hay quá mức nhu cầu năng lượng cần thiết đều có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực như: tăng nguy cơ nhiễm trùng, cơ hô hấp bị suy yếu, kéo dài thời gian thở máy, suy giảm khả năng miễn dịch và tăng tỷ lệ tử vong. Xác định đúng nhu cầu năng lượng và thiết lập một chế độ dinh dưỡng tối ưu giúp phòng tránh được các hậu quả tiêu cực trên. Cho đến nay các thầy thuốc vẫn phải ước tính nhu cầu năng lượng cho bệnh nhân bằng cách sử dụng các công thức ước tính. Hiện tại có tới hơn 200 công thức tính tiêu hao năng lượng đã được công bố với độ chính xác ước tính từ 40% - 75% khi so sánh với nhiệt lượng gián tiếp, tuy nhiên không có một công thức nào được thấy là chính xác hơn cả khi áp dụng ở các bệnh nhân hồi sức nặng.
Đối tượng nghiên cứu :40 bệnh nhân thở máy xâm nhập điều trị tại Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai từ 04/2016 – 10/2016 được chọn vào nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả tiến cứu. Thực hiện đo nhiệt lượng gián tiếp ở các bệnh nhân thở máy để xác định REE thực tế. Áp dụng các công thức (H-B, H-B x 1.2, Penn State 2003, 25 kcal/kg và 30 kcal/kg) để tính REE (REE ước tính). Dựa vào REE đo được để xác định độ chính xác của các công thức. Tính hệ số tương quan Pearson để xác định mức độ tương quan giữa REE ước tính và REE đo.
Kết quả nghiên cứu độ chính xác ước tính của các công thức lần lượt là: 37,5% (H-B), 35% (H-B x 1.2), 47,5% (PS2003), 25% (25kcal/kg), 32,5% (30kcal/kg). Công thức Penn State 2003 có độ chính xác ước tính 60% với nhóm bệnh nhân nữ và và 64,7% với nhóm có BMI < 18,5. Có mối tương quan tuyến tính thuận giữa REE ước tính và REE đo với hệ số tương quan lần lượt là: r = 0,56 (p < 0,001) với công thức H-B và H-B x 1.2, r = 0,61 (p < 0,001) với công thức PS2003, r = 0,48 (p < 0,001) với công thức 25kcal/kg và 30kcal/kg.
Cả 5 công thức sử dụng trong nghiên cứu đều có độ chính xác ước tính hạn chế khi áp dụng tính nhu cầu năng lượng cho các bệnh nhân thở máy nói chung. Công thức H-B thì chủ yếu ước tính thấp, công thức H-B x 1.2 và 30kcal/kg chủ yếu ước tính cao tiêu hao năng lượng của bệnh nhân, công thức Penn State 2003 có độ chính xác ước tính tốt nhất và có mức độ tương quan cao nhất với REE đo. Có thể cân nhắc áp dụng công thức PS2003 đối với các bệnh nhân nữ và/hoặc các bệnh nhân có BMI < 18,5 kg/m2 khi không thể thực hiện được kỹ thuật đo nhiệt lượng gián tiếp.