SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

[27/07/2023 14:08]

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng hồi phục sau đại dịch, chuyển đổi số là một trong những nội dung cốt yếu mà các doanh nghiệp này cần phải thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn nhất trong việc chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi số được thực hiện chưa đồng bộ, chỉ mới dừng lại ở một số hoạt động nhỏ lẻ. Do đó trong giai đoạn tới cần xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển đổi cụ thể, hỗ trợ tài chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số (CĐS) đã diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp (DN) và với nhiều mức độ khác nhau. Quá trình CĐS đã bắt đầu diễn ra, song rõ nét hơn cả là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch,... Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố dự định xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới... Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế CĐS cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của CĐS giữa các DN với quy mô khác nhau. Trong đó, các DN quy mô lớn chuyển đổi nhanh cũng như tin tưởng hơn đối với CĐS. Tại những DN này, đối tượng khách hàng thường đa dạng, nên CĐS được thể hiện thông qua nhiều yếu tố. Nhiều DN đã xây dựng hệ thống quản lý khách hàng thống nhất qua các ứng dụng mobile. Qua đó, giúp khách hàng tích hợp và quản lý thông tin khi sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau như thanh toán các hóa đơn gia đình, tiền điện, mua sắm hay các dịch vụ nghỉ dưỡng,...

Các DN Việt Nam nói chung, nhất là DNNVV vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của CĐS trong cuộc CMCN 4.0, cụ thể, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện DNNVV của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động. Trong khi đó, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cộng đồng DN nói chung còn thấp, có tới 80-90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Vì vậy, đổi mới là vấn đề sống còn đối với các DN này. Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục lựa chọn các nền tảng số xuất sắc để hỗ trợ các DNNVV, với mục tiêu sẽ có 30 ngàn DN được hỗ trợ CĐS.

Hiện nay, các DNNVV tuy chiếm số lượng lớn nhưng là nhóm gặp khó khăn nhất trong việc CĐS. Mặc dù đã nhận thức được về sự cần thiết của CĐS, song do khả năng sản xuất còn hạn chế, mức độ tự động hóa còn chưa cao, nên các DNNVV khó áp dụng CĐS.

Giải pháp thúc đẩy phát triển chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thứ nhất, xây dựng chiến lược CĐS cho DN. Chiến lược CĐS cần gắn với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của DN. DN cần đánh giá được các nguồn lực của mình như nhân lực, công nghệ và khả năng tài chính; đồng thời căn cứ vào mô hình khung CĐS cho DNNVV mà xây dựng phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số, trong đó nên ưu tiên triển khai các nền tảng ứng dụng tập trung, dùng chung kết nối chia sẻ, từ đó giúp DN cải tiến, tối ưu và tự động hóa quy trình hoạt động, nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.

Thứ hai, xây dựng lộ trình chuyển đổi cụ thể. Hiện tại, DNNVV Việt Nam đang đứng trước rất nhiều rào cản khi thực hiện CĐS. Tuy nhiên, các DNNVV lại có quy mô nhân lực ít, bộ máy ít công kềnh nên có nhiều thuận lợi và dễ thành công hơn trong việc thiết lập lộ trình cụ thể để khắc phục từng rào cản trong quá trình CĐS trong hoạt động quản trị DN. Việc thiết lập lộ trình cụ thể giúp DN chia đều các gánh nặng về chi phí trong quá trình CDS, đồng thời hoàn thành dứt điểm được từng bước trong lộ trình để đảm bảo phát triển bền vững. Các DNNVV cần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy bằng việc tham gia các khóa đào tạo dưới nhiều hình thức khác nhau: đào tạo tại chỗ, đào tạo trực tuyến hay đào tạo với huấn luyện viên trực tuyến.

Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ CĐS và tiếp cận tài chính cho DNNVV. DNNVV chỉ đủ khả năng chi trả cho sản xuất cơ bản, nhưng đầu tư lớn cho CĐS thì không phải DN nào cũng làm được ngay, bởi các vấn đề chi phí, tư vấn, định giá, giải pháp thực hiện, bảo mật thông tin,... Bên cạnh đó, vấn đề vay vốn ngân hàng cũng gặp nhiều hạn chế do chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện vay vốn ngân hàng, năng lực quản lý dòng vốn. Do đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích CĐS, hỗ trợ vốn vay, lãi vay ưu đãi cho DN CĐS, đây là những chính sách rất cấp thiết để đáp ứng yêu cầu vận hành, sử dụng các công nghệ mới trong DN.

Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ CĐS. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 một mặt đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cách quản lý, điều hành cũng như quá trình phát triển của DN. Mặt khác, Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng có thể phá vỡ thị trường lao động truyền thống, bởi vì khi tự động hóa đang dần thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều này cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng quản trị nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số hiện nay.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Các DN cần phải thúc đẩy ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn trong tất cả các hoạt động quản lý, tác nghiệp của mình. Ứng dụng CNNT được coi là nền tảng cơ bản cho quá trình CĐS của DN, là giải pháp tối ưu với chi phí hợp lý để giúp các DN, đặc biệt là các DNNVV vượt qua khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

CĐS đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu từ phạm vi cá nhân, công ty đến phạm vi quốc gia và toàn cầu. Đó là một tiến trình không chỉ dừng lại ở việc áp dụng kỹ thuật số mà là một quá trình thay đổi diễn ra ở mọi khía cạnh trong doanh nghiệp từ tiến trình sản xuất kinh doanh, con người đến chiến lược của công ty; mang lại giá trị cho khách hàng, công ty, nâng cao khả năng cạnh tranh của công ty. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, CĐS là xu hướng tất yếu mà các DN phải thực hiện, đặc biệt đối với các DNNVV trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19. Bài viết đã chỉ ra thực trạng CĐS tại DNNVV trong các khâu như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.

Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được các rào cản, khó khăn chính trong việc ứng dụng công nghệ số, như thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (Ví dụ, cơ sở hạ tầng CNTT chưa phát triển), chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số và sợ rò rỉ thông tin cá nhân và thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số. Do đó, trong giai đoạn tới để thúc đẩy phát triển CĐS trong DNNVV, cần quan tâm tới các giải pháp xây dựng chiến lược, lộ trình chuyển đổi, hỗ trợ tài chính và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT để giúp DNNVV vượt qua khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

tapchikhcn.saodo.edu.vn - số 4(79) năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ