Hoạt tính sinh học của các flavonoid phân lập từ cặn chiết ethyl acetate của lá cây Xến mủ Garcinia mackeaniana
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thanh Trà, Lê Thị Tú Anh, Bá Thị Châm, Ninh Thế Sơn, Nguyễn Thị Thùy Linh, Lê Thị Hải Yến đang công tác tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Học viện KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội thực hiện.
Chi Garcinia là một trong những chi lớn thuộc họ Clusiaceae , gồm 390 loài và phân bố rộng rãi ở châu Á và châu Phi. Chi Garcinia bao gồm nhiều cây thuốc có chứa các hoạt chất chữa bệnh tiềm năng và được sử dụng trong y học cổ truyền của nhiều nước trên thế giới. Các nghiên cứu về hóa thực vật cho thấy, chi Garcinia bao gồm nhiều loại hợp chất như axit hữu cơ, benzophenones, phloroglucinols, axit béo và terpenoit, nhưng chủ yếu là những xanthone và flavonoid. Những loài trong chi này cung cấp một nguồn tự nhiên phong phú các hợp chất hoạt tính sinh học với tác dụng chống viêm, khả năng chống ung thư, chống ôxy hóa, kháng u, kháng nấm, kháng histaminic, các đặc tính kháng sinh, kháng vi khuẩn, kháng vi rút, bảo vệ tim mạch.... Cho đến nay, đã có nhiều loài trong chi Garcinia được tiến hành nghiên cứu, hướng tới việc khám phá các công dụng truyền thống của chúng, phân lập các phân tử mới, khuyến khích nghiên cứu tiền lâm sàng và để hiểu cơ chế hoạt động, từ đó giúp phát triển các ứng cử viên thuốc mới với ít tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, các biện pháp phải được thực hiện để tăng cường bảo tồn loài Garcinia đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng. Ở Việt Nam, chi Garcinia bao gồm khoảng 31 loài, trong đó loài G. mackeaniana phân bố ở vùng núi Sa Pa (Lào Cai) và Thuận Châu (Sơn La) Bài báo này tập trung vào việc đánh giá các hoạt tính sinh học của các hợp chất flavonoid phân lập được bao gồm hoạt tính kháng viêm, gây độc tế bào, chống ôxy hóa và kháng vi sinh vật kiểm định.
Hình minh họa (Internet)
Bảy hợp chất flavonoid phân lập từ cặn chiết ethyl acetate (EtOAc) của lá cây Xến mủ Garcinia mackeaniana bao gồm 2”,6”-di-O-acetylvitexin, 2”-O-acetylvitexin, vitexin, amentoflavone, apigenin, kaempferol và quercetin đã được đánh giá các hoạt tính sinh học. Kết quả cho thấy, 2 hợp chất (6) và (7) đều thể hiện hoạt tính chống ôxy hóa mạnh với giá trị IC50 lần lượt là 9,5±0,38 và 7,4±0,30 μg/ml. Hợp chất (6) có tác dụng ức chế sản sinh nitric oxit (NO) trên tế bào RAW 264.7 ở mức khá (IC50 là 63,86±2,86 μg/ml) với tỷ lệ sống sót 81,84% ở nồng độ 128 μg/ml. Hợp chất (3) có hoạt tính gây độc trên các dòng tế bào ung thư MCF7 và LU-1 với giá trị IC50 lần lượt là 8,0±0,2 và 9,68±0,5 μg/ml. Hợp chất (5) và (7) có hoạt tính mạnh trên KB và HepG2 với giá trị IC50 lần lượt là 8,5±0,35 và 6,79±0,2 μg/ml. Các hợp chất (1-7) đều không gây độc trên dòng tế bào lành HEK-293 và không có hoạt tính trên các chủng vi sinh vật kiểm định gram dương.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam