SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm vi học và bước đầu khảo sát thành phần hóa học thân cây vọng cách (Premna serratifolia L., Verbenaceae) và lá vông nem (Erythrina variegata L., Fabaceae)

[14/08/2023 15:21]

Vọng cách với tên khoa học là Premna serratifolia L., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) và Vông nem có tên khoa học Erythrina variegata L., họ Đậu (Fabaceae). Trong dân gian, Vọng cách được dùng với tác dụng bảo vệ, tăng cường chức năng gan, trị chứng tiêu hóa kém, trị tiêu chảy, lỵ, viêm thấp khớp, đau dây thần kinh... [2]; Vông nem được dùng làm thuốc an thần, điều trị mất ngủ, điều trị bệnh trĩ, phong tê thấp, tiêu độc, sát khuẩn… [5]. Tuy nhiên, hiện có ít nghiên cứu trên hai dược liệu này về đặc điểm vi học cũng như thành phần hóa học. Trên cơ sở tiếp tục các nghiên cứu trước đây, chúng tôi mong muốn tìm hiểu rõ hơn về đặc điểm vi học của bột thân cây Vọng cách và lá Vông nem, góp phần vào tiêu chuẩn hóa dược liệu. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tiến hành phân lập chất tinh khiết từ phân đoạn dichloromethane của thân cây Vọng cách và phân đoạn ethyl acetate lá Vông nem.

Thân cây Vọng cách và lá Vông nem được thu hái. Sau đó, mẫu được phơi khô, xay thành bột mịn để dùng cho quá trình nghiên cứu.

Dung môi (Chemsol): n-hexane , dichloromethane, ethyl acetate, acetone, methanol; Silica gel 60 (Merck) dùng cho sắc ký cột và sắc ký lớp mỏng silica gel F254 (Merck); Kính hiển vi quang học (Olympus).

Khảo sát đặc điểm vi học của thân cây Vọng cách và lá Vông nem

Thân cây Vọng cách và lá Vông nem được cắt nhỏ và sấy ở nhiệt độ khoảng 600C, xay nhỏ, rây qua rây số 32. Bột dược liệu được tiến hành đánh giá cảm quan và tiến hành soi dưới kính hiển vi theo quy trình được hướng dẫn bởi tài liệu tham khảo .

Phân lập chất tinh khiết từ phân đoạn dichloromethane thân cây Vọng cách Bột thân cây Vọng cách (5 kg) được ngâm dầm trong ethanol 70%, thu dịch chiết, sau khi cô quay thu được cao tổng ethanol dạng lỏng có màu nâu đậm, mùi thơm nhẹ (khoảng 2,7 lít). Từ cao tổng ethanol, tiến hành chiết phân bố lỏng - lỏng với dichloromethane kết hợp thay đổi pH. Thu dịch chiết, cô quay, thu được phân đoạn dichloromethane (4 g).

Phân đoạn dichloromethane được tiến hành phân lập chất bằng sắc ký cột kết hợp các kỹ thuật để tinh chế mẫu. Mẫu chất tinh khiết được gửi đo phổ NMR tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ dữ liệu phổ, tiến hành xác định cấu trúc chất phân lập được.

Phân lập chất tinh khiết từ phân đoạn ethyl acetate lá Vông nem Bột lá Vông nem (2 kg) được ngâm dầm trong ethanol 70%, thu dịch chiết, cô quay thu được cao ethanol tổng (3,5 lít). Cao ethanol tổng được tiến hành chiết phân bố lỏng - lỏng với ethyl acetate kết hợp thay đổi pH, thu được phân đoạn ethyl acetate (9 g). Phân đoạn ethyl acetate được tiến hành sắc ký cột để phân lập, kết hợp các phương pháp tinh chế để thu chất tinh khiết. Mẫu chất tinh khiết được gửi đo phổ NMR tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ dữ liệu phổ, tiến hành xác định cấu trúc chất phân lập được.

Kết luận:

Lần đầu tiên mô tả 6 cấu tử từ bột thân cây Vọng cách gồm: lông che chở đa bào, mảnh bần, mạch vạch, mạch xoắn, mạch mạng, mạch điểm. Kết quả góp phần vào các chỉ tiêu kiểm tra chất lượng dược liệu. Ngoài ra, cũng phân lập được hợp chất β-sitosterol, phù hợp với các công bố trước đây về Vọng cách. Từ lá Vông nem mô tả được 4 cấu tử gồm: tế bào khí khổng, mảnh gân lá có tế bào hình chữ nhật thành mỏng, tế bào mô cứng, mạch vòng. Nghiên cứu này cũng lần đầu tiên báo cáo sự hiện diện của uracil từ lá Vông nem.

Tạp chí Khoa học Đại học Đồng Tháp
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ