SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu do Feline Panleukopenia Virus gây ra trên mèo ở một phòng khám thú y tại Thành phố Hồ Chí Minh

[16/08/2023 16:06]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Đinh Thị Thu Hiền, Võ Thị Trà An (Khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) và Trần Thanh Tân (Phòng khám thú y Thanh Tân) thực hiện.

Hiện nay, việc nuôi mèo đã trở nên phổ biến ở TP. HCM. Thống kê của Chi cục Thú y và Chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 cho biết có 121.870 hộ nuôi chó, mèo với 220.620 con, cao nhất trong các tỉnh/thành của cả nước. Cùng với việc tăng lên về cả số lượng mèo được nuôi, bệnh tật trên mèo ngày càng được quan tâm. Trong số bệnh thường gặp, bệnh giảm bạch cầu trên mèo do Feline panleukopenia virus (FPV) gây ra hay còn được gọi là bệnh Parvo trên mèo cần được quan tâm.

Giảm bạch cầu ở mèo là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do FPV gây ra ở mèo, thuộc nhóm Feline Parvovirus, họ Parvoviridae, cùng với Parvovirus type 2 ở chó (CPV-2) và Parvovirus khác của động vật ăn thịt. Bệnh lây lan rất nhanh với đặc điểm xuất hiện đột ngột, con vật nôn mửa, tiêu chảy, số lượng bạch cầu giảm rõ rệt, làm suy giảm miễn dịch và có tỷ lệ tử vong cao.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Khi chẩn đoán FPV trên mèo tại Iraq bằng test kit nhanh kháng nguyên cho biết tỷ lệ nhiễm khá cao (38%). Tỷ lệ mèo sống sót khi mắc bệnh là 51,1% và tỷ lệ tử vong khá cao lên tới 90% đối với mèo con chưa được chích ngừa. Những người nuôi mèo lần đầu tiên có lẽ sẽ không biết nhiều về bệnh này cũng như mức độ nguy hiểm của nó. Đây cũng là một bài toán khó cho các bác sỹ thú y hiện nay vì sự diễn biến phức tạp của bệnh và cả sự nguy hiểm luôn sẵn sàng đe dọa đến mèo, đặc biệt là mèo con nhỏ hơn 2 tháng tuổi chưa được chích ngừa. Hiện tại, các nghiên cứu về bệnh chưa được thực hiện nhiều ở Việt Nam, nhất là khu vực TP. Hồ Chí Minh, kể cả các báo cáo về tỷ lệ nhiễm bệnh. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm đóng góp thông tin về các triệu chứng lâm sàng ở bệnh giảm bạch cầu, cũng như tỷ lệ phát hiện bệnh do FPV bằng test nhanh phát hiện kháng nguyên, cùng một số yếu tố liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh.

Nghiên cứu được thực hiện nhằm chẩn đoán bệnh giảm bạch cầu do Feline panleukopenia virus(FPV) gây ra trên mèo tại một phòng khám thú y ở Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 3/2021 đến tháng 6/2021. Kết quả kiểm tra lâm sàng đã phát hiện 309 ca nghi ngờ liên quan đến FPV. Sử dụng test nhanhAsan Easy Test FPV với 51 con mèo đã khẳng định có 43 con mắc bệnh giảm bạch cầu; chiếm tỷ lệ 84,3%. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm bệnh bao gồm việc không tiêm vacxin đầy đủ và đúng liệu trình có nguy cơ mắc bệnh cao nhất (86,05%) và mèo ở độ tuổi từ 1 đến 6 tháng tuổi nhiễm bệnh với tỷ lệ (67,44%) cao hơn đáng kể so với các nhóm tuổi khác. Không có sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê giữa các nhóm mèo theo các yếu tố thức ăn, phương thức nuôi, giới tính, giống đến tỷ lệ nhiễm bệnh. Các triệu chứng lâm sàng có ý nghĩa trong chẩn đoán là sốt (39,5 - 40,5oC), ói bọt trắng hoặc dịch vàng nhiều lần, tiêu chảy phân màu vàng đục, lợn cợn, đôi khi nhầy, có mùi tanh.

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập XXIX Số 4 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ