SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chế tạo kháng huyết thanh tối miễn dịch trên ngựa để điều trị bệnh Ca- Rê do Canine distemper virus trên chó

[16/08/2023 16:27]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Đào Lê Anh, Trương Quang Lâm, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Hương và Hoàng Thị Phương thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Virus gây bệnh Ca-rê trên chó (Canine distemper virus - CDV) là virus thuộc giống Morbillivirus, họ Paramixoviridae, virus gây nhiễm hướng mô lympho, niêm mạc và mô thần kinh. Virus có chứa sợi đơn âm RNA, mã hóa cho 6 protein cấu trúc (nucleocapsid N, M, fusion F, H hemagglutinin, phospho-P và L protein) và 2 protein phi cấu trúc (C và V protein). Các chủng virus Ca-rê được phân loại dựa trên sự thay đổi của các Haemagglutinin (H) và protein phản ứng tổng hợp tín hiệu - peptide (FSP). Bệnh được đặc trưng bởi một số dấu hiệu lâm sàng thể hiện ở đường hô hấp, tiêu hóa và hệ thống thần kinh trung ương, virus có tính lây nhiễm cao như virus sởi (MV). Ngoài dấu hiệu hô hấp và tiêu hóa, bệnh Ca-rê được đặc trưng bởi giảm bạch cầu nghiêm trọng và mất khả năng tăng sinh tế bào lympho. Điều này dẫn đến ức chế miễn dịch và làm tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng cơ hội, bệnh gây tỷ lệ chết cao. Dấu hiệu lâm sàng khi chó mắc Ca-rê bao gồm chán ăn, viêm kết mạc, có dử mắt, dử mũi, viêm phế quản và viêm thanh quản, nôn mửa và tiêu chảy, mụn mủ đỏ ở bụng và đùi. Khi hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng, chó bị mất điều hòa cơ thể, liệt hai chân, liệt tứ chi, teo cơ, rung giật cơ, run, không tự chủ, co giật ban đêm, hôn mê, khô võng mạc và có thể bị mù. Virus Ca-rê có thể được tìm thấy trong các tế bào của đường hô hấp, tiết niệu và đường tiêu hóa, các tế bào nội tiết, mô bạch huyết, tế bào thần kinh, mạch máu nguyên bào sợi và tế bào sừng. Trong nhiều thập kỷ, bệnh đã được kiểm soát bằng cách sử dụng vacxin giảm độc lực. Tuy nhiên, sự bùng phát Ca-rê liên tục được báo cáo ở chó và động vật hoang dã, với sự gia tăng số lượng chó bị nhiễm bệnh, cả chó đã được tiêm phòng và chưa được tiêm phòng.

Để điều trị bệnh sài sốt ở chó, các bệnh viện hay phòng khám thú y tại Việt Nam vẫn sử dụng các sản phẩm chế phẩm sinh học nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao, thời gian đợi chờ đặt hàng lâu, công tác bảo quản, vận chuyển hàng về nước khó khăn do yêu cầu điều kiện bảo quản nghiêm ngặt, khi hàng về đến nơi chất lượng đã bị giảm đi rất nhiều do quá trình vận chuyển bảo quản không đảm bảo. Do đó, kết quả điều trị bệnh Ca-rê sử dụng chế phẩm sinh học nhập ngoại ở chó đôi khi chưa được như mong muốn, và tỷ lệ khỏi bệnh thấp.

Chủng virus VNUA.CDV.NA04 được nhóm nghiên cứu lựa chọn thông qua đánh giá tính đại diện về đặc điểm di truyền, đặc tính sinh học và kháng nguyên và đặc biệt khả năng tạo kháng thể trung hoà chéo tốt với các chủng CDV phân lập tại Việt Nam. Chúng tôi đặt vấn đề nghiên cứu chế tạo kháng huyết thanh ngựa thông qua quy trình tối miễn dịch bằng chủng virus này nhằm thu được sản phẩm kháng huyết thanh chứa hàm lượng kháng thể đặc hiệu cao nhất phục vụ điều trị bệnh Ca-rê do CDV ở chó. Kết quả của nghiên cứu này sẽ góp phần giảm thiệt hại kinh tế và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh cho đàn chó tại Việt Nam.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Miễn dịch dịch thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh Ca-rê ở chó. Kháng huyết thanh chứa kháng thể đặc hiệu chống virus gây bệnh Ca-rê là một trong những liệu pháp được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi điều trị bệnh Ca-rê. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các trường hợp nhiễm bệnh CDV, sự sẵn có của kháng huyết thanh/kháng thể đặc hiệu từ chó hoặc kháng thể có hiệu quả điều trị thấp hiện chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị lâm sàng.

Kết quả kháng huyết thanh thu được từ quy trình tối miễn dịch trên ngựa bằng chủng virus VNUA.CDV.NA04 kết hợp với vacxin CDV nhược độc cho hiệu giá kháng thể đặc hiệu cao, hoạt tính trung hòa virus đảm bảo chống lại CDV. Kháng huyết thanh CDV bao gồm kháng thể đặc hiệu kháng CDV từ huyết thanh ngựa được xác định là có khả năng trung hoà (>8log2) và ức chế đáng kể sự nhân lên của CDV trong các tế bào Vero - DST và làm giảm hiệu quả các triệu chứng lâm sàng và tăng tỷ lệ sống sót (60,00-100%) của những con chó bị nhiễm CDV, tương tự như được điều trị bằng kháng huyết thanh kháng CDV có nguồn gốc từ chó. Những kết quả này chỉ ra rằng kháng huyết thanh có nguồn gốc từ ngựa là một nguồn thay thế tiềm năng cho kháng thể có nguồn gốc từ chó để phục vụ điều trị CDV tại các phòng khám. Nghiên cứu này mở ra một nguồn trị liệu mới sử dụng kháng huyết thanh ngựa chứa kháng thể đặc hiệu kháng CDV nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của thị trường trong điều trị lâm sàng.

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập XXIX Số 4 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ