Bước đầu xác định thực trạng nhiễm ký sinh trùng đường ruột trên mèo ở một số địa điểm tại Hà Nội và Hải Dương
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Hoàng Yến, Đồng Thế Anh và Nguyễn Thị Lan Anh thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Ký sinh trùng ký sinh trên chó, mèo nói chung và trên mèo nói riêng rất đa dạng về thành phần loài và là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh trên mèo. Trong số ký sinh trùng, giun đũa Toxocara cati, giun móc Ancylostoma spp. và một số đơn bào như Toxoplasma gondii, Giardia duodenalis, Cryptosporidum spp…là các tác nhân thuộc nhóm ký sinh trùng truyền lây giữa người và động vật. Tỷ lệ lưu hành của ký sinh trùng đường tiêu hóa trên mèo đa dạng phụ thuộc vào vùng địa lý, phương thức chăn nuôi và sự quan tâm của công tác thú y.
Những thông tin về ký sinh trùng đường tiêu hóa trên mèo ở Việt Nam còn rất hạn chế và chỉ tập trung vào một số đối tượng nhất định như giun đũa Toxocara spp.. Một số nghiên cứu khác cung cấp thông tin ở khía cạnh ấu trùng của Toxocara spp. gây bệnh trên người.
Hình minh họa (Nguồn: Internet)
Mục đích của nghiên cứu là bước đầu xác định thực trạng nhiễm ký sinh trùng (KST) đường ruột ở mèo tại một số địa điểm thuộc Hà Nội và Hải Dương. 162 mẫu phân mèo được xét nghiệm bằng phương pháp phù nổi sử dụng đường và phương pháp sa lắng formol-ether để xác định ký sinh trùng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ nhiễm chung ký sinh trùng ở mèo là 44,4%. Nghiên cứu đã xác định được Toxocara spp. (21,0%), giun móc (16,1%), Capillaria spp. (2,5%), Diphyllobothrium spp. (3,7%), Cystoisospora spp. (9,9%) và Cryptosporidium spp. (1,2%). Các yếu tố độ tuổi và giới tính không ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm chung, trong khi các yếu tố về tình trạng tẩy giun sán và phương thức chăn nuôi ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng trên mèo. Đây là một trong số rất ít các nghiên cứu về ký sinh trùng trên mèo ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu bước đầu cung cấp thông tin cơ bản cho bác sĩ thú y cũng như người nuôi mèo có kế hoạch phòng ký sinh trùng trên mèo nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập XXIX Số 4 năm 2022