SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tình hình hậu Covid-19 và một số yếu tố liên quan ở người nhiễm covid-19 tại quận Ninh Kiều Thành phố Cần Thơ năm 2022

[18/08/2023 09:14]

Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ hậu COVID-19 và các yếu tố liên quan ở người nhiễm COVID-19 tại quận Ninh Kiều thành phố Cần Thơ năm 2022.

Vi rút SARS-CoV-2 nhanh chóng lan truyền trên toàn thế giới và gây ra các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng chưa từng có. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11 tháng 3 năm 2020 . Mặc dù hầu hết bệnh nhân đã khỏi COVID-19, nhưng có vẫn nhiều biến chứng ở một hoặc nhiều cơ quan. Hậu COVID là bệnh lý mới nổi, chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có thể gây nên tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Bộ Y tế Việt Nam, hiện nay đã thống kê được 203 triệu chứng của hậu COVID-19 được xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ,… và nhóm bệnh lý về hô hấp như ho, khó thở…. Sự xâm nhập của virus gây tổn thương đa cơ quan ở người bệnh và thường sẽ hồi phục trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ở nhiều bệnh nhân, các triệu chứng có thể tiếp diễn trong nhiều tháng và không có dấu hiệu chấm dứt ngay cả sau khi hồi phục. Sự xuất hiện của nhiều biểu hiện sau hồi phục trên những người sống sót đã trở thành mối quan tâm sức khỏe cộng đồng kéo dài.

Đối tượng nghiên cứu: Người dân đã từng mắc COVID-19 sau 3 tháng từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại quận Ninh Kiều thành phố Cần Thơ năm 2022. Từ 01/11/2022 đến ngày 30/12/2022 tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Phương pháp nghiên cứu:

 - Thiết kế nghiên cứu: Phương pháp mô tả cắt ngang có phân tích.

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu qua nhiều giai đoạn.

- Phương pháp thu thập số liệu: Dựa trên phiếu thu thập số liệu được thiết kế sẵn bao gồm các nội dung như thông tin chung đối tượng, hoạt động cá nhân khi mắc COVID19, triệu chứng lâm sàng khi mắc COVID-19, triệu chứng lâm sàng sau khi mắc COVID-19.

- Xử lý thống kê số liệu: Số liệu được thu thập và xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Những số liệu thống kê mô tả được tính gồm tần số, tỷ lệ phần trăm các biến số, số trung bình, độ lệch chuẩn. Đo lường OR và khoảng tin cậy 95% để đánh giá các mối liên quan. Sử dụng phép kiểm Chi bình phương (χ2), T test, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi giá trị p ở mức ý nghĩa ≤0.05.

Kết quả nghiên cứu có 350 đối tượng đã mắc COVID-19 được khảo sát, gồm 42,6% nam và 57,4% nữ, tuổi trung bình 45,52 ±15,5, có 88,3% dân tộc kinh. Có 27,4% đối tượng có triệu chứng lâm sàng hậu COVID-19 như sau: 68,8% giảm trí nhớ, 36,5% là mệt mỏi thường xuyên yếu sức, 31,3% khó thở… Và một số yếu tố liên quan đến triệu chứng lâm sàng hậu COVID-19 như độ tuổi, BMI, tiêm vaccine cúm mùa, bệnh mạn tính, nơi điều trị, sử dụng thuốc kháng virus (p≤0,05).

Trong 350 đối tượng tham gia nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận 96 đối tượng (27,4%) đối tượng có triệu chứng lâm sàng hậu COVID-19. Trong đó, các triệu chứng hậu COVID19 phổ biến như giảm trí nhớ (68,8%), mệt mỏi thường xuyên yếu sức (36,5%), khó thở khi gắng sức (31,3%)… Các đặc điểm nghiên cứu về nhóm tuổi, trình độ học vấn, BMI, sử dụng thuốc kháng virus, bệnh nền… có mối liên quan đến triệu chứng lâm sàng hậu COVID-19 (p≤ 0,05)

Tạp chí y dược học Cần Thơ số 61/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ