Tỷ lệ phát hiện lao phổi mới trên đối tượng nghi lao phổi bằng xét nghiệm GENE XPERT MTB/RIF tại Bệnh viện lao và bệnh phổi Tiền Giang năm 2022-2023
Nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ phát hiện lao phổi mới và một số yếu tố liên quan trên đối tượng nghi lao phổi bằng xét nghiệm Xpert MTB/RIF tại bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang năm 2022-2023.
Bệnh lao có nhiều thể lâm sàng, thường gặp nhất là lao phổi chiếm 80-85% và là nguồn lây chính cho những người xung quanh. Vì vậy, việc chủ động phát hiện các ca lao phổi mới là rất quan trọng để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao. Hiện nay, Gene Xpert MTB/RIF (Xpert MTB/RIF) là một trong những kỹ thuật sinh học phân tử được WHO khuyến cáo sử dụng hàng đầu trong chẩn đoán bệnh lao và lao kháng Rifampicin (RR-TB), cho kết quả nhanh trong 02 giờ với độ chính xác cao. Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021, ước tính có khoảng 10,6 triệu người mắc lao với hơn 1,4 triệu người tử vong do lao và lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, số lượng người mắc mới lao hàng năm cũng tăng lên (khoảng 450.000 trường hợp). Tình hình đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chẩn đoán và điều trị lao. Không nằm ngoài thực trạng chung của thế giới, dù đã có những tín hiệu tích cực cùng với sự nỗ lực rất lớn của Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) nhưng công tác phòng, chống lao tại Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021. giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu. Số lượng tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020 [2]. Do đó, dự báo trong thời gian tới cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng có thể đối mặt với nguy cơ bùng phát của bệnh lao trong cộng đồng.
Đối tượng nghiên cứu: Tất cả bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang có triệu chứng lâm sàng hoặc X-quang phổi bất thường nghi ngờ mắc lao phổi.
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang.
- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện đúng tiêu chuẩn chọn mẫu và tiêu chuẩn loại trừ đến khi đủ số lượng mẫu cần nghiên cứu.
- Phương pháp thu thập số liệu: Thu thập các thông tin cần thiết bằng phiếu thu thập số liệu. Thực hiện xét nghiệm Xpert MTB/RIF trên mẫu đờm của bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu có 124/430 bệnh nhân (28,8%) được chẩn đoán xác định lao phổi mới bằng xét nghiệm Xpert MTB/RIF; trong đó phát hiện 04 bệnh nhân (3,2%) kháng với Rifampicin (RMP). Tỷ lệ mắc lao phổi ở nam cao hơn ở nữ gấp 2,0 lần (p< 0,01); có mối liên quan giữa tỷ lệ mắc lao phổi và nhóm tuổi 25-64 tuổi (p< 0,01); những người có tiền sử hút thuốc lá, đái tháo đường có nguy cơ mắc lao phổi cao hơn lần lượt là OR=2,1 (p< 0,01) và OR=2,7 (p< 0,01).
Tỷ lệ phát hiện lao phổi mới trên đối tượng nghi lao phổi bằng xét Gene Xpert MTB/RIF tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang năm 2022-2023 là 28,8%, trong đó có 3,2% kháng Rifampicin. Một số yếu tố liên quan đến tỷ lệ mắc lao phổi mới là nam giới, nhóm tuổi lao động, tiền sử hút thuốc lá và đái tháo đường. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chưa ghi nhận mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ mắc lao phổi với nơi sống, BMI và tiếp xúc gần lao. Đặc biệt, trong bối cảnh nguy cơ bùng phát bệnh lao ngoài cộng đồng hậu COVID-19, việc phát hiện nhanh và điều trị sớm các ca bệnh lao là vấn đề hết sức cấp thiết. Vì vậy, cần thực hiện xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF cho tất cả các bệnh nhân nghi lao phổi để chẩn đoán sớm lao phổi.
Tạp chí y dược học Cần Thơ số 61/2023