SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Liên quan giữa mức độ nặng suy dinh dưỡng cấp với một số đặc điểm lăm sàng, kết quả điều trị viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi tại bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ.

[18/08/2023 09:55]

Nghiên cứu nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị viêm phổi ở trẻ suy dinh dưỡng cấp từ 2 tháng đến 5 tuổi tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ năm 2022-2023. Xác định mối liên quan giữa mức độ nặng suy dinh dưỡng cấp với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị viêm phổi ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ năm 2022-2023.

Viêm phổi là một bệnh rất phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi do hệ miễn dịch chưa đủ khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh ngoài môi trường . Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi năm 2017 theo thống kê của Viện Dinh dưỡng là thể nhẹ cân là 13,4%, thấp còi 23,8% và gầy còm 7%. Tỷ lệ này ở thành phố Cần Thơ lần lượt là 10,1%, 20,6%, 3,8%. Suy dinh dưỡng ảnh hưởng tới mức độ nặng và kết quả điều trị viêm phổi. Trẻ suy dinh dưỡng mắc viêm phổi gấp 3,8 lần trẻ bình thường. Thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ mắc suy dinh dưỡng và viêm phổi vẫn còn cao và có liên quan với nhau.

Đối tượng nghiên cứu: Tất cả trẻ viêm phổi (VP) có suy dinh dưỡng (SDD) cấp 2 tháng đến 5 tuổi đang điều trị nội trú tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Phương pháp nghiên cứu:

 - Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả có phân tích

- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện.

- Phương pháp thu thập số liệu: Tất cả trẻ đủ tiêu chuẩn được hỏi bệnh sử, tiền sử, khám lâm sàng và thực hiện cận lâm sàng. Số liệu thu thập trên phiếu điều tra thống nhất.

 - Xử lý số liệu: Dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 18.0. Phương pháp chủ yếu là phân tích mô tả tần số và tỷ lệ phần trăm; xác định mối liên quan dưới dạng tần số, tỷ lệ %, tỷ số chênh (OR), khoảng tin cậy (KTC) 95% OR, kiểm định χ2 và kiểm định Fisher's Exact Test với mức ý nghĩa α= 0,05.

Kết quả nghiên cứu triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất bao gồm thở nhanh (97,2%), rút lõm ngực (63,9%), bú kém hoặc ăn uống kém (58,3%), rale ở phổi (88,9%). Đặc điểm cận lâm sàng với bạch cầu ≥15.000/mm3 (66,7%), bạch cầu trung tính ≥60% (41,7%), CRP ≥10 mg/L (61,1%). Mức độ nặng SDD cấp liên quan có ý nghĩa thống kê với bú kém (p=0,002), tím tái (p=0,002), phối hợp kháng sinh (p10 ngày (p=0,005). Chưa có sự liên quan giữa mức độ nặng SDD cấp với triệu chứng thở nhanh (p=0,408), rút lõm ngực (p=0,777), số lượng bạch cầu (p=0,248), tỷ lệ bạch cầu trung tính (p=0,783), CRP (p=0,094).

Mức độ nặng SDD cấp liên quan với triệu chứng bú kém hoặc ăn uống kém, tím tái, phối hợp kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, nuôi ăn nhân tạo, chuyển khoa HSTC, thời gian nằm viện >10 ngày. Do đó, cải thiện dinh dưỡng có thể làm giảm mức độ nặng của viêm phổi.

Tạp chí y dược học Cần Thơ số 61/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ