Vi nhân giống cây dâu tây Mỹ thơm (Fragaria ananassa “pajaro”) bằng phương pháp nuôi cấy đỉnh sinh trưởng
Nghiên cứu do các tác giả Trịnh Ngọc Ái, Trần Thị Thúy Liểu, Hồ Tuấn Kiệt, Thái Nhật Quang, Lê Văn Thức, Nguyễn Minh Hiệp, Nguyễn Tiến Dũng đang công tác tại Trường Đại học Trà Vinh, Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên thực hiện.
Cây Dâu tây (Fragaria ananassa L.) hay còn gọi là dâu đất, là một chi thực vật hạt kín và loài thực vật có hoa thuộc họ hoa hồng (Rosaceae). Dâu tây là loại cây trồng được tiêu thụ phổ biến vì có hương thơm và khả năng kháng ôxy hóa cao như pelargonidin, axit ellagic, ellagitannin.... Dâu tây còn là loại trái cây chứa rất ít calo, với nguồn vitamin, khoáng chất dồi dào nên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như làm giảm hàm lượng cholesterol, hạ huyết áp, phòng chống ung thư.... Chính vì vậy, việc phát triển các giống dâu tây được xem là hoạt động hấp dẫn và thu hút nhiều nhà vườn. Giống dâu tây Mỹ thơm được trồng phổ biến do có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu (có khả năng chịu nhiệt lên đến 40°C), có giá trị kinh tế cao, dễ trồng và chăm sóc, ra quả sau 100-120 ngày gieo trồng, cho quả quanh năm, chất lượng quả tốt, năng suất cao. Dâu tây có thể nhân giống bằng ngó hoặc hạt, tuy nhiên, trồng bằng hạt thì tỷ lệ nảy mầm thấp, cây con tạo ra không đồng đều, thời gian sinh trưởng kéo dài. Đặc biệt là phương pháp nhân giống truyền thống không cung cấp đủ cây giống cho thị trường. Các cây dâu tây được nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô cho số lượng thân bò nhiều hơn, thời gian nở hoa dài hơn và năng suất cao hơn so với cây được nhân giống theo phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, cây dâu tây con dễ bị nhiễm một số bệnh từ cây mẹ, đặc biệt là virus như Strawberry mottle virus (SMoV) và Strawberry mild yellow edge virus (SMYEV), làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Một số loài virus làm giảm hơn 80% năng suất cây dâu tây. Vì thế, phương pháp nhân giống truyền thống trở nên không phù hợp trong việc kháng lại các tác nhân gây bệnh. Nuôi cấy đỉnh sinh trưởng nhằm mục đích loại bỏ vi khuẩn, virus, thông qua nuôi cấy đỉnh sinh trưởng, quá trình phân chia tế bào tích cực làm giảm sự phân hóa các mô mạch. Sau khi được tách ra, mô đỉnh sinh trưởng có thể được nuôi cấy và phát triển thành cây hoàn chỉnh, đồng nhất về mặt di truyền và sạch bệnh.
Hình minh họa (internet)
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các nồng độ chất điều hòa sinh trưởng trong vi nhân giống cây dâu tây Mỹ thơm (Fragaria ananassa “pajaro”). Mẫu ngó dâu tây Mỹ thơm được khử trùng bằng dung dịch NaOCl với các nồng độ khác nhau (1, 2 và 3%) trong 20 phút. Mẫu đỉnh sinh trưởng được tách ra và nuôi cấy trên môi trường MS (Murashige và Skoog) có chứa 0,3 mg/l BAP (6-benzylaminopurine) trong 8 tuần, sau đó được chuyển sang môi trường nhân chồi MS có chứa BAP (0, 0,1, 0,3 và 0,5 mg/l) vàkinetin (6-furfurylaminopurin) mức 0, 0,1, 0,2 và 0,3 mg/l trong sự kết hợp hoặc riêng lẻ. Các mẫu chồi tái sinh sau 6 tuần nuôi cấy được chuyển sang môi trường tạo rễ 1/2 MS có chứa nồng độ NAA (0, 0,1, 0,3, 0,5, 0,7 và 1,0 mg/l) và BAP (0, 0,1, 0,3 và 0,5 mg/l) riêng lẻ hoặc kết hợp. Kết quả cho thấy, khử trùng ở nồng độ 3% NaOCl trong 20 phút cho tỷ lệ mẫu nhiễm thấp nhất (10%) và tỷ lệ tái sinh mẫu cao nhất (80%). Môi trường MS có chứa 0,3 mg/l BAP và 0,1 mg/l kinetin đạt số chồi cao nhất (16,2 chồi/mẫu). Môi trường 1/2 MS có chứa 0,1 mg/l NAA + 0,1 mg/l BAP tạo ra 14,4 rễ/chồi và chiều dài rễ đạt dài nhất (9,1 cm). Ngược lại, mô sẹo được quan sát rõ khi mẫu được nuôi cấy trên môi trường MS có bổ sung nồng độ NAA (0,3-1,0 mg/l) hoặc kết hợp với BAP. Giá thể phân chuồng được ủ hoai với nấm Trichoderma và mụn dừa (1:1:1 v/v/v) được xem là phù hợp cho quá trình ra ngôi của giống dâu tây Mỹ thơm.
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam