SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tạo chồi in vitro sạch virus cây chanh dây bằng kỹ thuật nuôi cấy mô phân sinh đỉnh

[18/08/2023 16:10]

Nghiên cứu do các tác giả Trần Hiếu, Trương Hoài Phong, Nguyễn Thị Như Mai, Hoàng Đắc Khải, Hoàng Thanh Tùng, Đỗ Mạnh Cường, Vũ Quốc Luận, Lê Ngọc Triệu, Nguyễn Bá Nam, Hoàng Thị Như Phương, Bùi Văn Thế Vinh, Dương Tấn Nhựt đang công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, VAST Phân hiệu Ninh Thuận, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh thực hiện.

Chanh dây là một cây trồng quan trọng và được trồng thương mại ở một số quốc gia bao gồm Thái Lan, Úc, Brazil, Hoa Kỳ và Nam Mỹ. Ở Việt Nam, cây chanh dây được du nhập vào khoảng đầu thế kỷ XX nhưng đến những năm gần đây, đối tượng này mới được xác định là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao; năng suất bình quân của cây chanh dây đạt 70-100 tấn/ha/năm và quả chanh dây xuất khẩu được xếp hạng ở vị trí thứ 10 về các loại trái cây xuất khẩu trên thế giới. Tại Việt Nam, cây chanh dây được trồng khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, trong đó chủ yếu tập trung ở Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Kiên Giang, Cần Thơ. Tuy nhiên, ở Lâm Đồng, việc trồng cây chanh dây hiện nay vẫn còn phân tán, với quy mô nhỏ. Hơn nữa, diện tích trồng cây chanh dây đang dần bị suy giảm, chủ yếu do dịch bệnh lây lan rộng trên cây chanh dây, trong đó có một số bệnh do virus gây ra, đặc biệt là CMV, ToRSV và Potyvirus. Một số bệnh ở cây chanh dây liên quan đến virus thuộc chi Potyvirus  đã  được  mô  tả  ở  các  vùng  khác  nhau  trên  thế giới. Potyvirus đầu tiên được phát hiện lây nhiễm trên cây chanh dây là Passion fruit woodiness virus (PWV). Potyvirus chủ yếu lây do sự chích hút của rệp. Virus CMV lần đầu tiên được tìm thấy liên quan đến cây chanh dây ở Úc; cây chanh dây nhiễm virus CMV biểu hiện lốm đốm màu vàng tươi trên lá và trên quả, bắt đầu từ các điểm ngẫu nhiên trên lá ở phần dưới của cây và giảm dần về phía ngọn. Trong khi đó, virus ToRSV gây bệnh trên cây chanh dây được báo cáo lần đầu tiên ở Peru; tác nhân truyền bệnh virus này được xác định bởi tuyến trùng Xiphinema americanum. Virus này gây ra chủ yếu là các đốm và vòng trên lá hoặc thân khi cây bị nhiễm trùng hoặc làm cây bị hoại tử. Hiện nay, các bệnh hại cây trồng do virus gây ra chưa có thuốc đặc trị trên thị trường. Vì vậy, nhu cầu về giống cây chanh dây sạch bệnh virus là cần thiết. Kỹ thuật nuôi cấy mô phân sinh đỉnh là kỹ thuật đã được sử dụng lâu đời trong công tác nhân giống vô tính cây trồng sạch bệnh virus và  cũng đảm bảo sự ổn định di truyền vốn có trong thực vật.

 Hình minh họa (Internet)

Mục đích của nghiên cứu này là tạo nguồn vật liệu chồi in vitro  sạch virus phục vụ cho quy trình nhân giống chanh dây sạch bệnh. Chồi đỉnh của chanh dây tím (Passiflora dulis Sims.) và vàng (Passiflora edulis f. flavicarpa) thu tại huyện Đam Rông (T1 và V1) và Đức Trọng (T2 và V2) không khử trùng bề mặt được sử dụng làm vật liệu cho nuôi cấy mô phân sinh đỉnh. Mô phân sinh đỉnh (0,2 mm) của cây chanh dây các giống được nuôi cấy trên môi trường MS bổ sung 1,0 mg/l BA. Sau 4 tuần nuôi cấy, tỷ lệ sống và tái sinh đều đạt trên 45,0%. Chồi được tái sinh, sinh trưởng, phát triển mạnh, hình thành các chồi đơn rõ rệt, lá xanh sau 10 tuần nuôi cấy. Những chồi tái sinh này được kiểm tra sạch bệnh đối với 3 loại virus (CMV, ToRSV và Potyvirus) bằng kỹ thuật RT-PCR. Kết quả cho thấy, trong số 4 mẫu kiểm tra, chỉ có 1 mẫu V1 bị nhiễm Potyvirus. Như vậy, những chồi in vitro  sạch virus này được sử dụng làm vật liệu cho quy trình nhân giống chanh dây tím và vàng sạch virus, góp phần giải quyết nhu cầu giống chanh dây sạch bệnh hiện nay.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ