Một số nhận xét về kết quả trị liệu hút áp lực âm trong điều trị tổn thương bỏng độ v vùng bàn tay trẻ em do dòng điện
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Hương, Lê Đức Mẫn, Hồ Thị Vân Anh, Dương Văn Phú, Lê Bá Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Thu Minh thực hiện.
Ảnh chuẩn bị tại chỗ vết thương cho gắn ống
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả liệu pháp hút áp lực âm trong điều trị tổn thương lộ gân xương vùng bàn tay trẻ em.
Bàn tay là một trong những bộ phận của cơ thể con người có chức năng vận động linh hoạt và khéo léo dựa trên đặc điểm cấu trúc của hệ thống gân, cơ, xương, khớp và hệ thần kinh vùng bàn tay và được hoàn thiện thêm trong quá trình lao động sáng tạo. Bàn tay là một trong những vị trí hay gặp trong tai nạn bỏng. Nhiều trường hợp tổn thương bàn tay nghiêm trọng, gây lộ, thậm chí hoại tử gân, xương, khớp đặt ra những thách thức trong điều trị nhằm mục tiêu giữ được hình thể và chức năng bàn tay.
Vạt tại chỗ là phương pháp được lựa chọn ưu thế để tạo hình các khuyết hổng vùng bàn ngón tay. Tuy nhiên, một số trường hợp tổn thương, rất khó để thiết kế vạt tại chỗ. Những trường hợp đó có chỉ định sử dụng vạt từ xa hoặc vạt vi phẫu. Tuy nhiên, phương pháp nào cũng có những khó khăn nhất định. Trên đối tượng bệnh nhân trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi với kích thước mạch máu nhỏ, nguy cơ tắc mạch, hoại tử vạt, thêm vào đó là khó khăn trong việc bất động tư thế thời gian dài sau các phẫu thuật chuyển vạt từ xa. Do đó điều trị bỏng sâu lộ gân, xương bàn tay trẻ em luôn đặt ra những khó khăn và cần cân nhắc lựa chọn phương pháp cụ thể cho từng trường hợp. Một số phương pháp đơn giản hơn như liệu pháp hút (VAC: Vacuum Assited Closure) vùng bàn ngón tay nhằm che phủ hạn chế tình trạng tổn thương gân xương, giảm viêm, kích thích hình thành mô hạt chuẩn bị nền vết thương cho phẫu thuật ghép da cũng là một lựa chọn cho nhiều trường hợp. Tuy nhiên, các tổn thương lộ gân xương vùng ngón tay trên trẻ em không dễ dàng đặt hút áp lực âm như một số vị trí khác trên cơ thể do đặc điểm giải phẫu vùng ngón tay, với kích thước nhỏ, nhiều khe kẽ, nếp gấp [1], [2].
Do đó, kỹ thuật này chưa được sử dụng rông rãi trên các vùng bỏng sâu ở ngón tay, đặc biệt trên trẻ em. Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này với mục tiêu Đánh giá tác dụng của trị liệu áp lực âm trong điều trị tổn thương bỏng độ V vùng ngón tay trẻ em.
Phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu trên 16 bệnh nhân trẻ em với vết thương bỏng sâu lộ gân, xương vùng bàn tay; điều trị tại Khoa Điều trị Bỏng Trẻ em, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác từ tháng 2/2021 đến tháng 9/2022; đánh giá hiệu quả dựa trên diễn biến lâm sàng tại chỗ và kết quả phẫu thuật ghép da che phủ. Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng số 16 bệnh nhân, trẻ trai chiếm 62,5%, trẻ gái chiếm 37,5%; độ tuổi dưới 5 là 68,75%. Nguyên nhân chủ yếu do bỏng điện hạ thế chiếm 93,75%. Diện tích bỏng sâu trung bình là 7,5cm2, diện tích lộ xương trung bình là 3,6cm2. Thời gian hút áp lực âm trung bình là 14 ngày, thời gian liền vết thương trung bình là 28 ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy trị liệu hút áp lực âm có hiệu quả trong điều trị vết thương lộ gân xương vùng bàn tay, góp phần chuẩn bị nền vết thương cho các phẫu thuật tiếp theo và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình liền vết thương.
Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)