Giá trị tiên lượng tử vong của lactat máu động mạch kết hợp với thang điểm rbaux và diện tích bỏng sâu trên bệnh nhân bỏng nặng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Hải An, Nguyễn Như Lâm, Trần Đình Hùng, Ngô Tuấn Hưng thực hiện.
Hình đường cong ROC của DTBS, rBaux và Lactat trong tiên lượng tử vong
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá giá trị tiên lượng của nồng độ lactat máu động mạch kết hợp chỉ số r-Baux và diện tích bỏng sâu đối với tử vong trên bệnh nhân bỏng nặng.
Với sự phát triển của nền y học, hồi sức dịch thể tối ưu, can thiệp phẫu thuật sớm, hỗ trợ dinh dưỡng và kiểm soát nhiễm khuẩn toàn diện, tỷ lệ biến chứng và tử vong đã giảm đáng kể trên bệnh nhân bỏng nặng.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong trong chấn thương bỏng vẫn cao, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi, giới tính, diện tích bỏng, diện tích bỏng sâu, bỏng hô hấp, chấn thương kết hợp… Đó là những yếu tố sẵn có trên bệnh nhân bỏng. Trong quá trình diễn biến bệnh, đặc biệt là giai đoạn phản ứng cấp tính, những thay đổi lớn về huyết động cũng như chuyển hóa ở mô và tế bào gây nên tình trạng giảm tưới máu mô, mất cân bằng giữa cung cấp và nhu cầu oxy của cơ thể, dẫn đến thiếu oxy tổ chức. Khi thiếu oxy tổ chức kéo dài dẫn đến suy chức năng đa tạng, rối loạn chuyển hóa mức độ tế bào, sinh ra các sản phẩm của chuyển hóa yếm khí mà cuối cùng là lactat. Kết quả các nghiên cứu cho thấy khi kết hợp lactat với các yếu tố tiên lượng khác như tuổi, diện tích bỏng, diện tích bỏng sâu, bỏng hô hấp, điểm SOFA… thấy giá trị tiên lượng cao hơn có ý nghĩa thống kê khi sử dụng các chỉ số đơn lẻ.
Hiện có ít nghiên cứu về vấn đề này trên bệnh nhân bỏng tại Việt Nam.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu hồi cứu trên 241 bệnh nhân (BN) bỏng người lớn nhập viện trong vòng 24 giờ sau bỏng tại Khoa hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác từ ngày 01/1/2021 - 31/10/2022, có diện tích bỏng từ 20% diện tích cơ thể (DTCT) trở lên. Bệnh nhân được chia làm hai nhóm cứu sống và tử vong, được so sánh về đặc điểm bệnh nhân, đặc điểm tổn thương bỏng và nồng độ lactat máu động mạch lúc vào viện. Dùng ROC test phân tích giá trị tiên lượng tử vong khi kết hợp lactat máu động mạch lúc vào viện với thang điểm rBaux và diện tích bỏng sâu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ lactat máu động mạch lúc vào viện lớn hơn đáng kể ở nhóm tử vong so với nhóm được cứu sống (p = 0,0000). Phân tích đa biến cho thấy lactat máu động mạch lúc vào viện cùng thang điểm rBaux và diện tích bỏng sâu liên quan độc lập đến tỷ lệ tử vong. Phối hợp 3 chỉ số lactat vào viện, chỉ số rBaux và diện tích bỏng sâu thì giá trị tiên lượng tử vong rất tốt (AUC = 0,923; độ nhạy: 81,97%; độ đặc hiệu: 85,56%). Giá trị tiên lượng tử vong của lactat máu động mạch lúc vào viện kết hợp với thang điểm rBaux và diện tích bỏng sâu là rất tốt.
Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 4(2023)