Một trong những biến chứng đáng sợ và thách thức nhất trong điều trị gãy xương là nhiễm trùng sau cố định xương, tình trạng này có thể dẫn đến việc trì hoãn sự liền xương, mất chức năng chi thể hoặc thậm chí là cắt cụt chi. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, sự gia tăng của các trường hợp gãy xương, tỉ lệ kháng kháng sinh cao của các chủng vi khuẩn, vấn đề nhiễm trùng xương ngày càng trở nên bức thiết. Có nhiều phương pháp điều trị nhiễm trùng xương như: kháng sinh toàn thân liều cao, kéo dài, phẫu thuật cắt lọc nạo viêm, lấy xương chết, hút liên tục áp lực âm… Điều trị kháng sinh liều cao dài ngày gây nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng chức năng gan thận. Phẫu thuật cắt lọc, nạo viêm lấy xương chết tiến hành rất nhiều lần để lại một khoảng khuyết xương lớn vô hình chung tạo ra một khoảng chết làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tái phát. Điều trị nhiễm trùng xương bằng liệu pháp kháng sinh tại chỗ được bắt đầu từ ý tưởng của Buchholz và Klemm năm 1970 và sau đó được thực hiện rộng rãi hơn với nhiều ưu điểm nổi bật như tăng nồng độ kháng sinh tại chỗ giúp tăng hiệu quả diệt khuẩn và giảm tác dụng phụ của việc sử dụng kháng sinh toàn thân, lấp đầy khoảng khuyết xương tạo điều kiện thuận lợi cho ghép xương sau này.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau phẫu thuật 6 tháng, có 1 bệnh nhân (2.7%) phải mổ lại do nhiễm trùng tái phát, 36 bệnh nhân (97.3%) vết mổ liền sẹo tốt, không rò, không có dấu hiệu nhiễm trùng tái phát. Trên phim XQ, trong số 36 bệnh nhân, có 33 bệnh nhân (91.7%) đã liền xương, 2 bệnh nhân (5.6%) chậm liền và 1 bệnh nhân (2.7%) khớp giả phải phẫu thuật ghép xương. Điều trị nhiễm trùng sau mổ cố định xương sử dụng spacer, chuỗi hạt xi măng kháng sinh là an toàn, hiệu quả, ít biến chứng, cho tỉ lệ khỏi nhiễm trùng và tỉ lệ liền xương cao.