SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa sau phẫu thuật tại trung tâm ung bướu - bệnh viện trung ương thái nguyên và một số yếu tố liên quan

[24/08/2023 14:08]

Nghiên cứu do các tác giả Đoàn Thị Nhung, Trần Thị Hồng Vân, Hoàng Văn Lâm, Lê Thị Huyền thực hiện.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu mô tả cắt ngang, tiến hành trên 51 bệnh nhân mắc ung thư đường tiêu hóa đã phẫu thuật tại Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện trung ương Thái Nguyên với mục tiêu mô tả tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa sau phẫu thuật tại Trung tâm Ung bướu bệnh viện Trung ương Thái Nguyên năm 2022 và phân tích một số yếu tố liên quan. Phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng người trưởng thành dựa theo phân loại chuẩn của WHO năm 2006 và đánh giá PG-SGA. Kết quả  nghiên cứu cho thấy theo phân loại đánh giá PG-SGA có 82,4% đối tượng nghiên cứu có tình trạng SDD nhẹ và trung bình; 3,9% đối tượng có SDD mức độ nặng. Phân loại theo BMI có 29,5% đối tượng nghiên cứu có suy dinh dưỡng, 1,9% đối tượng thừa cân. Tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giai đoạn ung thư; triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng và tình trạng dinh dưỡng của nhóm đối tượng nghiên cứu (p<0,05).

Theo thống kê GLOBOCAN 2020, thế giới có 19,2 triệu người mới mắc ung thư hàng năm và 9,9 triệu người tử vong do căn bệnh này trong một năm, trong đó tỉ lệ mắc ung thư đường tiêu hóa thuộc top 5 các loại ung thư như ung thư đại trực tràng (10%), ung thư dạ dày (5,6%) [1]. Bệnh có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới và theo Tổ chức y tế thế giới ung thư vẫn là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới năm 2019 [2]. Châu Á là khu vực có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới chiếm tỉ lệ là 49,3% [3]. Ở Việt Nam, số ca mắc ung thư mới là 182.563 người, số ca tử vong là 122.690 người, đã tăng lên so với năm 2018 (164.671 ca mắc mới, 114.871 ca tử vong) và tỉ lệ mắc ung thư đường tiêu hóa đứng sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú (ung thư dạ dày đứng thứ 4 chiếm 9,8%; ung thư đại trực tràng đứng thứ 5 chiếm 9%) [4]. Dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35% các nguyên nhân gây bệnh ung thư, và bên cạnh đó ung thư cũng có tác động tới tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Theo nghiên cứu trên bệnh nhân phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa của A K Garth năm 2010 cho thấy, 32% bệnh nhân được phân loại suy dinh dưỡng nhẹ-vừa (SGA-B) và 16% suy dinh dưỡng nặng (SGA-C) [5]. Theo nghiên cứu năm 2017 của Phan Thị Bích Hạnh ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội phân loại theo PG-SGA là 58,5% và tỷ lệ có nguy cơ suy dinh dưỡng nặng là 11,3% [6]. Tác giả Nguyễn Thị Thúy Lương nghiên cứu tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều năm 2021 trên 88 bệnh nhân ung thư thực quản cho kết quả 73,2% bệnh nhân có suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ suy dinh dưỡng theo phân loại PG-SGA, 37,7% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng theo BMI [7].

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa sau phẫu thuật tại Trung tâm Ung bướu, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là 86,3% (phân loại theo PG-SGA) trong đó:
     + 82,4% đối tượng nghiên cứu có tình trạng SDD nhẹ và trung bình.

   + 3,9% đối tượng có SDD mức độ nặng.

- Phân loại theo BMI có 29,5% đối tượng nghiên cứu có suy dinh dưỡng và 1,9% đối tượng thừa cân.

- Có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa giai đoạn ung thư; triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng với tình trạng dinh dưỡng của đối tượng nghiên cứu (p<0,05).

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ