Ảnh minh họa
Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm giấc ngủ ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.
Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu khảo sát ở 107 trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý từ 6 – 12 tuổi, tại phòng khám khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi Trung ương và người chăm sóc trẻ, sử dụng bảng hỏi Children’s Sleep Habits Questionaire (CSHQ).
Rối loạn tăng động giảm chú ý - Attention Deficit Hyperactivity Disorder (ADHD) là một dạng rối loạn phát triển, được đặc trưng bởi tình trạng giảm tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát và tăng hoạt động, làm ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển cảm xúc và kĩ năng xã hội của trẻ.1 60 - 90% trẻ mắc ADHD có các rối loạn đồng mắc.2 Rối loạn giấc ngủ là một rối loạn đồng mắc phổ biến nhất, chiếm 60 - 80% số trẻ mắc ADHD.3,4 Các vấn đề về giấc ngủ đã được báo cáo ở trẻ mắc ADHD khá đa dạng, như chống đối trước khi đi ngủ, khó vào giấc ngủ, ngủ ngáy, rối loạn nhịp thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, đái dầm, ngủ muộn, thời gian ngủ ngắn.3,5 Rối loạn giấc ngủ không chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng trẻ mắc ADHD mà còn góp phần tăng mức độ căng thẳng của cha mẹ trẻ. Từ đó cho thấy, phát hiện và kiểm soát chất lượng giấc ngủ sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị ADHD. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về giấc ngủ ở nhóm trẻ này, vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu với mục tiêu:Mô tả đặc điểm giấc ngủ ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 83,2% số trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có vấn đề về giấc ngủ. Các vấn đề giấc ngủ phổ biến bao gồm khó vào giấc ngủ, chống đối khi đi ngủ và ngủ ngáy, lần lượt là 49,5%, 43,0%, 21,8%. Một số thói quen ngủ không phù hợp được phát hiện là trẻ không có thói quen đi ngủ đúng giờ (52,3%), không ngủ trưa (21,5%), uống sữa trong vòng 1 giờ trước khi ngủ (52,3%) và xem điện thoại/ ti vi/ ipad ngay trước khi ngủ (60,7%). Vấn đề giấc ngủ gặp phổ biến ở trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý. Điều này gợi ý rằng việc đánh giá và quản lý các vấn đề về giấc ngủ là một phần cần thiết nên được thực hiện khi đánh giá và điều trị cho trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.