SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lâm sàng của người bệnh viêm loét giác mạc tại bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh

[25/08/2023 09:49]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Văn Đảm, Lê Trần Thúy Vy, Nguyễn Xuân Thảo, Nguyễn Công Kiệt thực hiện.

Ảnh minh họa

Viêm loét giác mạc là nguyên nhân gây mù loà phổ biến nhất ở Việt Nam. Nhưng đa phần các báo cáo tập trung đánh giá kết quả điều trị viêm loét giác mạc, còn đặc điểm lâm sàng của bệnh lý này chưa được mô tả nhiều.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu: Xác định các đặc điểm lâm sàng liên quan đến yếu tố tiên lượng bệnh trong chẩn đoán viêm loét giác mạc  tại bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh.

Phương pháp: Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca, hồi cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được chẩn đoán viêm loét giác mạc nhiễm trùng và điều trị nội trú tại Khoa Giác Mạc, bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh.

Viêm loét giác mạc nhiễm trùng (VLGMNT) là bệnh lý tại mắt khá phổ biến, nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể đe dọa nhiều đến thị lực; đặc trưng bởi đau mắt cấp tính, giảm thị lực, thâm nhiễm và / hoặc loét giác mạc. VLGMNT đã được chứng minh là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù loà ở cả các nước phát triển và đang phát triển [1]. Ở Việt Nam, hơn một nửa bệnh nhân VLGMNT có thị lực sau điều trị ở mức mù lòa [1,2], ngoài ra một số lượng đáng kể bệnh nhân (25%) diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng như thủng giác mạc, viêm mủ nội nhãn, teo nhãn [3]. Theo một nghiên cứu tại Bệnh viện Mắt Trung Ương, Lê Anh Tâm (2008) đã tiến hành nghiên cứu hồi cứu trên hơn 3000 bệnh nhân viêm loét giác mạc (VLGM) trong 10 năm (1998 – 2007) ghi nhận tỷ lệ thủng giác mạc chiếm 30,39% [1]. Kết quả tương đồng với Phạm Ngọc Đông (2007) với tỷ lệ thủng giác mạc là 34,2% [4]. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Thành Phố Hồ Chí Minh, mỗi năm ghi nhận trung bình có hơn 20.000 lượt khám với chẩn đoán VLGM. Theo các nghiên cứu, các yếu tố tiên lượng nặng của VLGMNT gồm: tuổi, giới tính, mắt bị ảnh hưởng, nghề nghiệp, thị lực trước điều trị, kích thước thâm nhiễm/sẹo, độ sâu thâm nhiễm, thời gian lành biểu mô, biến chứng thủng [1, 2, 3]. Dựa trên các bằng chứng đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Đặc điểm lâm sàng của người bệnh viêm loét giác mạc tại bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh” để đánh giá lại các kết quả nghiên cứu trước đó, cũng như để xác định các đặc điểm lâm sàng liên quan đến yếu tố tiên lượng bệnh trong chẩn đoán VLGM tại bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghiên cứu ghi nhận viêm loét giác mạc thường gặp ở độ tuổi trung bình là 54,9 ± 13,59 tuổi, thường gặp nhất là nhóm hơn 60 tuổi. Đối tượng nghiên cứu đến từ khu vực nông thôn chiếm ưu thế. Nghề nghiệp thường gặp là lao động phổ thông: nông dân chiếm 40% và công nhân chiếm 17,5%. Nguyên nhân chấn thương đa số là do tai nạn trong lao động và sinh hoạt. Về thời gian từ lúc khởi phát đến khi nhập viện điều trị sau 4 tuần chiếm tỉ lệ là 55%. Thị lực lúc nhập viện toàn bộ là ĐNT dưới 3m (100%). Viêm loét giác mạc có thâm nhiễm sâu và phân độ nặng (100%). Đặc điểm lâm sàng giúp định hướng đến chẩn đoán sớm viêm loét giác mạc do nấm: bề mặt ổ loét gồ, bờ lông vũ, sang thương vệ tinh và vị trí trung tâm.

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ