SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kiến thức và thực hành tự tiêm insulin ở người bệnh đái tháo đường type 2 tại bệnh viện Thanh Nhàn năm 2022

[25/08/2023 15:57]

Nghiên cứu do hai tác giả Nguyễn Thị Hoài Huệ, Bế Hồng Thu thực hiện.

Ảnh minh họa

Đái tháo đường là một bệnh không lây truyền, tuy nhiên tỷ lệ người bị bệnh này ngày càng gia tăng ở các quốc gia trên thế giới. Tiêm insuin là một trong những biệm pháp kiểm soát đường máu tốt ở người bệnh đái tháo đường type 2.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá kiến thức, thực hành tự tiêm insulin của người bệnh đái tháo đường type2 tại bệnh viện Thanh Nhàn năm 2022.

Phương pháp NC: NC mô tả cắt ngang trên 336 người bệnh ĐTĐ type 2 tại Bệnh viện Thanh Nhàn từ tháng 8 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh lý phổ biến nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Để kiểm soát đường huyết nhằm ngăn ngừa biến chứng của bệnh, người bệnh (NB) cần thực hiện tuân thủ điều trị thuốc, điều chỉnh chế độ ăn và chế độ luyện tập phù hợp.

Tiêm Insulin đúng cách và xét nghiệm đường máu thường xuyên là biệm pháp không thể thiếu trong kiểm soát tốt bệnh ĐTĐ[6]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu (NC) khảo sát đa quốc gia trên 42 nước với 13.289 người bệnh ĐTĐ cho thấy kỹ thuật tiêm Insulin của NB đều chưa đúng[5]. Tại Việt Nam, một số nghiên cứu cũng cho thấy, NB có kiến thức và kỹ năng thực hành tiêm Insulin còn rất thấp[2]. Kỹ thuật tiêm insulin không chính xác không chỉ liên quan đến việc tiêu thụ insulin nhiều hơn mà còn là nguyên nhân gây ra hạ đường huyết đột ngột và biến đổi glucose cao hơn[5]. Hơn nữa, báo cáo của Chakraborty và cs cho rằng kỹ thuật tiêm sai có thể gây dị ứng insulin, loạn dưỡng mỡ dưới da, nhiễm khuẩn vị trí tiêm[4]. Một bằng chứng cho thấy việc vứt bỏ kim tiêm sau khi sử dụng không đúng quy định làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu [8].

Theo số liệu thống kê tại bệnh viện Thanh Nhàn (2017-2019) có khoảng 9420 người bệnh / năm đến khám thì có gần 3700 người có tiêm Insulin. Năm 2021, tại Bệnh viện Thanh Nhàn có hơn 10.000 người bệnh đến khám, được quản lý bệnh đái tháo đường và trong đó có khoảng 4.500 người có sử dụng thuốc tiêm Insulin. Vì vậy, việc tìm hiểu những thiếu kiến thức cũng như thực hành tiêm insulin của NB rất quan trọng. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi thực hiện đề tài: “Kiến thức và thực hành tự tiêm insulin ở người bệnh đái tháo đường type 2 tại Bệnh viện Thanh Nhàn năm 2022” với 2 mục tiêu sau:
Đánh giá kiến thức, thực hành tự tiêm insulin của người bệnh đái tháo đường type 2 tại bệnh viện Thanh Nhàn năm 2022.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 125 người (37,2%) có kiến thức đạt về tiêm insulin, cụ thể: có 91,4% NB có kiến thức đúng về thời gian ăn sau khi tiêm, 88,4% NB biết về thời gian hết hạn insulin sau mở, 87,8% người biết về thời gian bảo quản insulin mới chưa dùng; kiến thức đúng về chiều dài kim tiêm và sử dụng bút tiêm lần lượt là 23,2% và 28,0%. NB có kiến thức đúng về sử dụng bơm tiêm là 58,9%; tỷ lệ NB có kiến  thức đúng về nhận biết các bất thường của vùng tiêm với 84,3%, kiến thức sai nhiều nhất là kiến thức về luân chuyển vùng tiêm với tỷ lệ 87,2%. Về thực hành có 123 người (36,6%) có thực hành đạt, trong đó: kĩ thuật lấy liều thuốc insulin đúng với tỷ lệ 88,4%, sau đó là kỹ thuật véo da vị trí tiêm với tỷ lệ là 75,9%. Có 72,6% NB không rửa tay trước khi tiêm, 81,5% NB không vệ sinh đầu lọ thuốc trước đâm kim qua và 86,1% không sát trùng vị trí tiêm. Kiến thức và thực hành tiêm insulin của người bệnh còn hạn chế, cần tích cực giáo dục cho người bệnh biết về tiêm insulin để họ có thực hành tiêm an toàn.

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ