Đánh giá mức độ độc lập trong sinh hoạt hằng ngày ở bệnh nhân liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống tại bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương năm 2019 – 2020
Nghiên cứu do tác giả Cầm Bá Thức thực hiện.
Ảnh minh họa
Tổn thương tủy sống (TTTS) là thương tật nghiêm trọng nhất, gây khuyết tật nặng nề. Phục hồi chức năng là vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân (BN) vượt qua khó khăn do khiếm khuyết về thể chất và độc lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá mức độ độc lập trong sinh hoạt hằng ngày ở BN liệt hai chi dưới do TTTS tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương. Đối tượng: Là 31 BN liệt hai chi dưới do TTTS điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương năm 2019- 2020.
Phương pháp NC: Hồi cứu mô tả cắt ngang, so sánh trước và sau điều trị. Phân loại tổn thương thần kinh theo Hiệp hội TTTS Hoa Kỳ hằng ngày theo Chỉ số Barthel cải biên (Modified Barthel Index).
Tổn thương tủy sống là một thương tích có tỷ lệ mắc cao. Wyndaele và CS (2006)1 thấy tỷ lệ mắc mới hàng năm (tính trên một triệu dân) ở Alberta (Canada) thống kê từ năm 1997 đến năm 2000 là 52,3, ở Nga từ năm 1989 đến năm 1993 đến năm 1992 là 40,2 và ở Đài Loan từ năm 1992 đến năm 1996 là 18,8. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng chắc chắn rằng tỷ lệ mắc chấn thương tuỷ sống là không nhỏ. Tổn thương tuỷ sống được coi là một trong những thương tật ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống của bệnh nhân và được xem là “một bệnh không chữa được”, việc phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu sau: Đánh giá mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày ở bệnh nhân liệt hai chi dưới do tổn thương tủy sống tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương năm 2019 – 2020.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nam mắc nhiều gấp 1.2 lần nữ, độ tuổi từ 20-49 chiếm 57,2%; 12 BN chiếm (38,7%) tổn thương tủy hoàn toàn ASIA độ A không có sự hồi phục thần kinh, 12 BN hồi phục từ ASIA độ C sang độ D (38,7%). Sau phục hồi chức năng: Tỷ lệ bệnh nhân cần trợ giúp chăm sóc là 1 (3,2%), cần trợ giúp trên xe lăn là 8 (25,8%), độc lập trên xe lăn 6 (19,4%), cần trợ giúp đi lại là 14 (45,2%) và độc lập hoàn toàn là 2 (6,5%); Chỉ số Barthel cải biên thay đổi sau phục hồi chức năng có ý nghĩa thống kê với p < 0,001, có mối tương quan vừa giữa mức độ tổn thương tủy sống và sự hồi phục các chức năng sinh hoạt hàng ngày theo Chỉ số Barthel cải biên.
Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)