Ảnh minh họa
Nghiên cứu nhằm mục tiêu tìm hiểu một số yếu tố ảnh hưởng đến chi phí trực tiếp dành cho y tế của người bệnh ĐTĐ nội trú tại khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang năm 2022.
Phương pháp: Nghiên cứu định tính với 04 cuộc phỏng vấn sâu với Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng Khoa Nội tiết và Bác sĩ điều trị Khoa Nội tiết để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính không lây và ngày càng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ toàn cầu năm 2019 là 9,3% (463 triệu người), tăng lên 10,2% (578 triệu người) năm 2030 và 10,9% (700 triệu người) năm 2045 (1). Theo IDF, Việt Nam có 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ năm 2015, dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu người năm 2040 (2). Cùng với thực trạng tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, gánh nặng kinh tế do ĐTĐ gây ra cũng tăng lên nhanh chóng. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) năm 2018 về gánh nặng kinh tế toàn cầu của bệnh ĐTĐ từ 20-79 tuổi, chi phí toàn cầu cho bệnh này từ 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2015 dự báo sẽ tăng lên 2,2 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2030, tương ứng với GDP toàn cầu tăng từ 1,8% năm 2015 lên đến 2,2% vào năm 2030 (3). Theo Cục Khám chữa bệnh Việt Nam, dựa vào nghiên cứu của tác giả Phạm Huy Tuấn Kiệt năm 2020 trên quan điểm người chi trả là Bảo hiểm Y tế (BHYT), tổng chi phí trực tiếp dành cho y tế được BHYT chi trả cho người bệnh ĐTĐ típ 2 năm 2017 là 10.111 tỷ VNĐ. Trong đó, 70% các khoản chi trả liên quan đến biến chứng (4).
Tại bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đo lường chi phí trực tiếp dành cho y tế của người bệnh ĐTĐ nội trú tại khoa Nội tiết. Nghiên cứu thực hiện trên 384 hồ sơ bệnh án và phiếu thanh toán ra viện. Kết quả nghiên cứu cho thấy chi phí trung bình một đợt điều trị ĐTĐ nội trú là 4.476.407 (± 3.982.110) VNĐ. Tỉ lệ chi phí: ngày/giường 42,2%; thuốc 26,7%; xét nghiệm 15,6%; PTTT 7,7%; CĐHA 5,9%; VTTH 1,9%. Nhiễm trùng bàn chân và biến chứng thận có chi phí điều trị cao. Phối hợp càng nhiều biến chứng với càng nhiều bệnh lý, chi phí điều trị càng tăng. Tiếp theo, chúng tôi muốn tìm hiểu xem có những yếu tố nào ảnh hưởng đến chi phí trực tiếp dành cho y tế của người bệnh ĐTĐ nội trú tại khoa Nội tiết, với mục tiêu có thể đưa ra các khuyến nghị tác động đến các yếu tố ảnh hưởng để từ đó giúp tiết kiệm chi phí điều trị ĐTĐ trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có hai nhóm yếu tố ảnh hưởng: Nhóm làm giảm chi phí điều trị gồm: Kiến thức, thái độ và sự tuân thủ điều trị của người bệnh; Nhân lực y tế; Chính sách quản lý của bệnh viện gồm: chính sách quản lý chung, chương trình đào tạo ĐTĐ và chương trình quản lý người bệnh ĐTĐ; Công nghệ thông tin. Nhóm yếu tố làm tăng chi phí điều trị gồm: Biến chứng của ĐTĐ và các bệnh phối hợp; Thuốc và các xét nghiệm cận lâm sàng; Bảo hiểm y tế.
Kết luận và khuyến nghị: Quản lý tốt người bệnh ĐTĐ tái khám và công tác điều trị ĐTĐ nội ngoại trú, đầu tư vào lĩnh vực nhiễm trùng bàn chân và biến chứng thận, bổ sung số lượng kháng sinh có chất lượng cao và sử dụng phù hợp, bổ sung nhân lực cho lĩnh vực ĐTĐ, tăng cường giáo dục cho người bệnh và thân nhân giúp giảm chi phí điều trị.