Hiệu quả điều trị viêm nha chu ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2 bằng laser diode
Nghiên cứu do các tác giả Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Thanh Trung thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh viêm nha chu ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2. Đánh giá hiệu quả điều trị viêm nha chu ở bệnh nhân đái tháo đường loại 2 bằng laser diode.
Đối tượng và Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp lâm sàng ngẫu nhiên mù đơn (thiết kế nửa miệng) trên những bệnh nhân được chẩn đoán là viêm nha chu, có đái tháo đường loại 2, đến khám và điều trị tại Trung tâm y tế huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thời gian phát hiện bệnh đái tháo đường: < 5 năm: 36,4%; 5 – 10 năm: 50%; > 10 năm: 13,6%.HbA1c: Kiểm soát tốt (< 6,5%): 9,5%, Kiểm soát khá (6,5% - 7,5%): 47,6%, Kiểm soát kém (> 7,5%): 27,0% (p<0,05). Tỷ lệ bệnh nhân bị viêm nha chu gặp chủ yếu ở nhóm kiểm soát đường kém: 72,7% (HbA1c >7,5%) (p<0,05). Chỉ số chảy máu nướu: Trung bình (PBI: 1,0 - 3,0): 77,8%; Nặng (PBI: > 3,0): 22,2% (p< 0,05). Chỉ số mảng bám (PlI): Nhẹ (PlI < 1,0): 12,7%; Trung bình (PlI :1,0 – 1,9): 14,3%, Nặng (PlI ≥ 2,0): 73,0%. Trung bìnhchỉ số viêm nha chu tại các thời điểm 1 tháng, 3 tháng sau điều trị đều giảm so với trước điều trị ở cả 2 nhóm (p<0,05). Mức độ tăng chỉ số viêm nha chu ở nhóm chứng tăng cao hơn nhóm thử nghiệm (p< 0,05). Sau điều trị, theo thời gian, tỷ lệ bệnh nhân có GI ở mức trung bình giảm mạnh ở cả 2 nhóm và chuyển sang mức nhẹ (p<0,05). Tỷ lệ bệnh nhân có GI từ mức trung bình chuyển sang mức nhẹ ở nhóm thực nghiệm cao hơn nhóm chứng (p < 0,05). Nghiên cứu đã chứng minh được Laser Diode trong nha khoa, khi sử dụng như liệu pháp bổ sung cho phương pháp nạo túi và làm sạch mặt gốc răng trong điều trị viêm nha chu mạn tính, đem lại kết quả cải thiện rõ rệt các chỉ số lâm sàng (PLI, GI, BOP, PD, CAL) trên nhóm thực nghiệm so với nhóm chứng.
Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)