Khảo sát tình trạng thiếu vitamin D tại phòng khám lão khoa bệnh viện E
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Tú thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu nhằm mục tiêu khảo sát tình trạng thiếu vitamin D tại phòng khám Lão khoa bệnh viện E.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 203 bệnh nhân đến khám tại phòng khám Lão khoa bệnh viện E từ 09/2021 đến tháng 6/2022.
Vitamin D (Vit D) là tên gọi chung cho tất cả các steroid mang hoạt tính sinh học của Cholecalciferol, gồm 2 loại: Vit D3 (dẫn xuất của Cholecalciferol) và Vit D2 (dẫn xuất của Ergocalciferol). Trong đó Vit D3 là do da tổng hợp khi phơi nắng trực tiếp, là nguồn Vit D chính của cơ thể; Vit D2 có trong thức ăn nhưng lượng Vit D2 trong thức ăn rất nghèo nàn [4], [10].
Thiếu Vit D (Vit D) khi xét nghiệm Vit D3 trong máu < 30 ng/mL [10]. Thiếu Vit D là một tình trạng phổ biến ở nhiều quốc gia. Theo đánh giá có hệ thống của Hilger et al. từ năm 2014, 37,3% dân số toàn cầu có nồng độ lưu hành 25(OH)D dưới 20 ng/mL và tình trạng thiếu Vit D nghiêm trọng (nồng độ dưới 12 ng/mL) được báo cáo ở khoảng 7% dân số trên toàn thế giới với sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia và dân số khác nhau [7]. Tại Châu Phi, tình trạng thiếu Vit D trầm trọng hơn các lục địa khác và với 34% dân số có nồng độ 25(OH)D thấp hơn 20 ng/mL [5]. Thiếu Vit D ảnh hưởng đến hơn một tỷ trẻ em và người lớn trên toàn thế giới [6]. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa thiếu Vit D và nguy cơ tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và suy tim [6]. Hơn nữa thiếu Vit D có liên quan đến bệnh loãng xương và được cho là làm tăng nguy cơ ung thư [6]. Trong đại dịch covid, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ở người thiếu hụt Vit D thì dễ bị mắc covid, cúm với tỷ lệ tử vong tăng vọt hoặc hậu covid dai dẳng, nặng nề [9].
Tại Việt Nam, một số nghiên cứu khảo sát tình trạng thiếu Vit D trên bệnh nhân đái tháo đường typ 2 có loãng xương, bệnh nhân đau thắt lưng, bệnh nhân viêm khớp cột sống cho thấy tỷ lệ thiếu Vit D khá cao [1], [2], [3]. Tuy nhiên, trong thời điểm đại dịch covid thì chưa có nghiên cứu nào khảo sát tình trạng thiếu Vit D. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu “Khảo sát tình trạng thiếu Vit D tại phòng khám Lão khoa Bệnh viện E từ tháng 09/2021 đến tháng 6/2022”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin D chiếm 92,6%. Nồng độ vitamin D trung bình là 21,7 ± 6,7 (ng/mL). Độ tuổi trung bình là 69,8 ± 9,4 (tuổi); Tỷ lệ nữ/nam là 2,3; Bệnh nhân khu vực thành thị chiếm đa số (93,6%); 99,5% bệnh nhân có tiền sử bệnh mạn tính; 78,3% bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của loãng xương trong đó mệt mỏi chiếm 43,3% và mất ngủ chiếm 30,0%. Tình trạng thiếu vitamin D của bệnh nhân khám tại phòng khám Lão khoa bệnh viện E chiếm tỷ lệ cao.
Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)