SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chửa ngoài tử cung thể ngập máu ổ bụng: so sánh kết quả phẫu thuật nội soi với phẫu thuật mở bụng

[30/08/2023 14:32]

Nghiên cứu do các tác giả Đào Nguyên Hùng, Hoàng Văn Sơn thực hiện.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá sự an toàn, hiệu quả của phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở bụng điều trị chửa ngoài tử cung thể ngập máu ổ bụng tại Bệnh viện Quân y 103 từ tháng 04/2020 đến tháng 09/2022.

Đối tượng và phương pháp: nghiên cứu mổ tả cắt ngang trên 53 bệnh nhân được chẩn đoán chửa ngoài tử cung thể ngập máu ổ bụng điều trị tại Bệnh viện Quân Y 103 từ tháng 04/2020 đến tháng 09/2022.

Chửa ngoài tử cung (CNTC) là hiện tượng noãn được thụ tinh, làm tổ và phát triển ngoài buồng tử cung, là một cấp cứu hay gặp trong sản phụ khoa. Nghiên cứu của Vương Tiến Hòa (2013) chỉ có 43,49% trường hợp CNTC được chẩn đoán sớm và 56,51% được chẩn đoán muộn [1]. Chửa ngoài tử cung thể ngập máu ổ bụng là các trường hợp khối thai ngoài tử cung vỡ, chảy máu ngập tràn ổ bụng, máu lan lên góc gan và góc lách, lượng máu mất trên 20% tổng lượng máu trong cơ thể, có hoặc chưa có sốc giảm thể tích. Bệnh nhân đến muộn và chẩn đoán muộn là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất máu nặng, nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân sốc mất máu, đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong. Trước đây, phẫu thuật mở bụng là phương pháp điều trị duy nhất cho các trường hợp CNTC thể ngập máu ổ bụng. Ngày nay, nhờ sự phát triển của dụng cụ phẫu thuật, sự tiến bộ trong lĩnh vực gây mê hồi sức cũng như kỹ năng, kinh nghiệm của phẫu thuật viên, phẫu thuật nội soi đã được áp dụng để điều trị chửa ngoài tử cung thể ngập máu ổ bụng. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm như: ít đau, tính thẩm mỹ cao, thời gian phục hồi sau mổ nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện. Tại Bộ môn-Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Quân y 103 trong những năm gần đây đã đạt được nhiều tiến bộ trong triều trị chửa ngoài tử cung, đặc biệt là các trường hợp vỡ ngập máu ổ bụng. Để tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình điều trị, chúng tôi tiến nghiên cứu nhằm đánh giá sự án toàn, tính hiệu quả của phẫu thuật nội soi so với phẫu thuật mở bụng điều trị chửa ngoài tử cung thể ngập máu ổ bụng tại Bệnh viện Quân y 103 từ tháng 04/2020 đến tháng 09/2022.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 22 bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật mở bụng chiếm 41,51% và 31 bệnh nhân được điều trị phẫu thuật nội soi chiếm 58,49%. Thời gian phẫu thuật trung bình của nhóm phẫu thuật mở bụng là 50,00±9,38phút, của nhóm phẫu thuật nội soi là 59,84±9,44 phút. Lượng máu mất trong ổ bụng trung bình của nhóm phẫu thuật mở bụng là 2000,00±377,96 ml, của nhóm phẫu thuật nội soi là 1083,87±288,78 ml. 100% bệnh nhân phẫu thuật mở bụng phải truyền máu, với phẫu thuật nội soi là 64,5%. Lượng máu truyền trung bình của nhóm phẫu thuật mở bụng là 834,09±331,80 ml, của nhóm phẫu thuật nội soi là 364,52±316,01 ml. Có 4,5% bệnh nhân nhóm phẫu thuật mở bụng và 25,8% bệnh nhân nhóm phẫu thuật nội soi sử dụng kháng sinh dự phòng, thời gian dùng kháng sinh trung bình của nhóm phẫu thuật mở bụng là 4,05±1,43 ngày, của nhóm phẫu thuật nội soi là 2,97±1,37 ngày. Số liều giảm đau sau mổ trung bình của nhóm phẫu thuật mở bụng là 2,14±0,46 liều, của nhóm phẫu thuật nội soi là 1,45±0,56 liều. Thời gian nằm viện trung bình của nhóm phẫu thuật mở bụng 4,68±1,04ngày, của nhóm phẫu thuật nội soi là 3,81±0,94ngày.

Kết luận: Phẫu thuật nội soi có thời gian phẫu thuật trung bình dài hơn, lượng máu mất trong ổ bụng trung bình và lượng máu truyền trung bình ít hơn so với nhóm phẫu thuật mở bụng. Nhưng phẫu thuật nội soi có số ngày sử dụng kháng sinh trung bình ngắn hơn, số liều giảm đau trung bình ít hơn, thời gian hồi phục sau mổ nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn so với nhóm phẫu thuật mở bụng sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Phẫu thuật nội soi điều trị an toàn với các trường hợp chửa ngoài tử cung vỡ ngập máu ổ bụng có sốc mất máu mức độ nhẹ, trung bình hoặc mức độ nặng sau khi đã hồi sức nội khoa tích cực, huyết áp ổn định. Các trường hợp sốc nặng,huyết động không ổn định hoặc sốc rất nặng nên chỉ định mổ mở.

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ