Nghiên cứu một số yếu tố nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện liên quan đến ống thông bàng quang tại bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An
Nghiên cứu do các tác giả Quế Anh Trâm, Lê Văn Thu thực hiện.
Ảnh minh họa
Nhiễm khuẩn tiết niệu (UTI) do sử dụng ống thông bàng quang là một trong những bệnh lý nhiễm trùng phổ biến nhất ở các cơ sở chăm sóc y tế. Tại Việt Nam, nhiễm khuẩn niệu chiếm khoảng 25% trong các ca nhiễm trùng bệnh viện, trong đó 80% các trường hợp nhiễm khuẩn niệu liên qua đến đặt ống thông tiểu dẫn lưu bàng quang.
Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan ống thông bàng quang và tìm hiểu các căn nguyên gây UTI bệnh viện liên quan đến ống thông bàng quang.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang. Đối tượng nghiên cứu gồm 98 bệnh nhân có đặt ống thông bàng quang trên 48 giờ tại Khoa Chống độc, Bệnh viện HNĐK Nghệ An trong thời gian từ tháng 01/2022 đến tháng 08/2022.
Nhiễm khuẩn tiết niệu do sử dụng ống thông bàng quang là một trong những bệnh lý nhiễm trùng phổ biến nhất ở các cơ sở chăm sóc y tế. Yếu tố quyết định chính cho sự phát triển của vi khuẩn niệu là thời gian đặt sonde tiểu. Nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan tới ống thông bàng quang ở bệnh nhân thường có triệu chứng thường kín đáo do sử dụng thuốc an thần, lẫn với các triệu chứng của bệnh lý khác, thường có rối loạn bài xuất nước tiểu thụ động do hôn mê hoặc rối loạn thần kinh cơ bang quang [5], [6], [7].
Các biện pháp để kiểm soát nhiễm trùng như là hạn chế sử dụng ống thông, chỉ đặt sonde tiểu khi cần thiết và ngưng sử dụng ngay khi có thể. Cần phải giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng ống thông bàng quang từ chỉ định, quá trình thực hiện và quá trình chăm sóc [8].
Chính việc đặt ống thông bàng quang đã làm tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan tới ống thông bàng quang là một trong những nhiễm khuẩn bênh viện hay gặp nhất, nó đứng hàng thứ hai sau nhiễm khuẩn hô hấp bệnh viện [6]. Mặc dù có rất nhiều tiến bộ về cấu tạo ống thông và hệ thống dẫn lưu như van chống trào ngược, khoá hệ thống dẫn lưu, thêm các chất diệt khuẩn vào túi đựng nước tiểu, hệ thống chống nhiễm khuẩn giữa ống thông và niệu đạo nhưng tỷ lệ nhiễm khuẩn do đặt ống thông bàng quang còn rất cao [5].
Việc đánh giá tỷ lệ nhiễm khuẩn tiết niệu liên quan ống thông bàng quang và các căn nguyên gây bệnh giúp đưa ra những giải pháp thích hợp để hạn chế sự gia tăng nhiễm bệnh cũng như biện pháp điều trị cho người bệnh. Vì vậy, việc tuân thủ quy trình kỹ thuật và cải tiến các phương pháp chăm sóc của điều dưỡng là một trong những biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện ở bệnh nhân có đặt ống thông bàng quang. Ở Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về nhiễm khuẩn tiết niệu để tìm tỷ lệ bệnh nhân đặt ống thông bàng quang bị nhiễm khuẩn tiết niệu, tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan với thời gian đặt ống thông bàng quang, tỷ lệ biến chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, tử vong,… thứ phát sau nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện và căn nguyên gây nhiễm khuẩn tiết niệu từ đó đưa ra biện pháp điều trị và dự phòng. Nhiễm khuẩn tiết niệu làm nặng thêm bệnh lý nền trước đó dẫn đến tăng chi phí điều trị và kéo dài thời gian điều trị. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm “Xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn liên quan ống thông bàng quang và tìm hiểu các căn nguyên gây nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện liên quan đến ống thông bàng quang tại khoa chống độc bệnh viện HNĐK Nghệ An”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tần suất mắc NKTNBV liên quan tới ống thông bàng quang là 17,2 bệnh nhân trên 1000 ngày đặt ống thông, với tỷ lệ mắc bệnh nhân trong nhóm bệnh nghiên cứu trên 50 tuổi là cao nhất với 58,54%, trong đó nam chỉ lệ cao hơn nữ ( 70,6%). Thời gian từ khi đặt sonde đến khi chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu bệnh viện là 8,6 ± 5,72 ngày. Tỷ lệ NKTNBV gặp nhiều nhất ở nhóm có thời gian lưu ống thông từ 8-14 ngày với 50%. Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân NKTNBV chủ yếu là sốt với 66,67%.
Kết luận: Tỷ lệ UTI liên quan đến ống thông bàng quang cao trong đó chiếm tỷ lệ lớn là nam trên 50 tuổi. Với các đặc điểm như thời gian đặt sonde từ 8,6 ngày và triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt.
Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)