Vai trò của cộng hưởng từ trong chẩn đoán phân biệt u màng hoạt dịch và lao khớp
Nghiên cứu do các tác giả Hoàng Đình Âu, Vương Thu Hà thực hiện.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá các đặc điểm hình ảnh cộng hưởng từ (CHT) trong việc phân biệt u màng hoạt dịch và lao khớp.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả hình ảnh CHT của 13 bệnh nhân trong đó có 06 bệnh nhân u màng hoạt dịch và 07 bệnh nhân lao khớp đã được chẩn đoán xác định bằng sinh thiết màng hoạt dịch hoặc phẫu thuật khớp. Dày và ngấm thuốc màng hoạt dịch, dịch ổ khớp, ăn mòn xương, phù tủy xương, phù và tính chất của ổ áp xe phần mềm quanh khớp trên cộng hưởng từ được so sánh giữa nhóm u màng hoạt dịch với lao khớp.
Lao khớp chiếm khoảng 10% các trường hợp lao ngoài phổi[1]. Lao khớp thường biểu hiện ở một khớp và hay gặp nhất ở các khớp chịu lực như khớp gối, khớp háng, cổ chân [2]. Chẩn đoán chính xác lao khớp, đặc biệt là ở những bệnh nhân trẻ tuổi, có hệ miễn dịch bình thường, là rất khó, do tỷ lệ mắc bệnh hiếm gặp, biểu hiện lâm sàng không điển hình và kết quả X quang không đặc hiệu [3]. Bệnh nhân bị lao khớp có thể bị chẩn đoán nhầm với u màng hoạt dịch do cả hai loại bệnh đều có khởi phát từ từ, diễn biến chậm [4,5]. Điều trị muộn hai loại bệnh này đều có thể dẫn đến phá hủy sụn khớp hoặc biến dạng khớp nghiêm trọng [7] Hơn nữa, phương pháp điều trị chính cho lao khớp và u màng hoạt dịch hoàn toàn khác nhau, trong đó lao khớp được điều trị bằng thuốc chống lao lâu dài, trong khi đó u màng hoạt dịch cần phải cắt bỏ bao hoạt dịch [8]. Do đó, việc phân biệt giữa hai thực thể bệnh này là rất quan trọng đối với kết quả điều trị của bệnh nhân.
Chẩn đoán lâm sàng lao khớp và u màng hoạt dịch khớp thường khó khăn do tính không đặc hiệu của các triệu chứng và khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm thường trong giới hạn bình thường [1]. Hình ảnh cộng hưởng từ với độ phân giải cao và độ tương phản mô mềm tuyệt vời, đã trở thành phương pháp chẩn đoán chính để chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị các tổn thương bao hoạt dịch.
Vì vậy chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá vai trò của cộng hưởng từ trong phân biệt lao khớp và u màng hoạt dịch, có đối chứng với kết quả sinh thiết màng hoạt dịch và phẫu thuật khớp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi nhóm u màng hoạt dịch là 44.5±18.3, của nhóm lao khớp là 60±15.5. Số lượng bạch cầu, tỷ lệ bach cầu đa nhân trung tính và CRP của nhóm u màng hoạt dịch và của nhóm lao khớp lần lượt là 7.9±1.7 (g/l), 64.3±14.5 (%), 1.5±1 (mg/L) và 8.7±3.5 (g/l), 70±8.1 (%), 4.6±6.5 9 (mg/l). Độ dày màng hoạt dịch trung bình trên CHT ở nhóm u màng hoạt dịch là 19±10.4 mm, lớn nhất là 36 mm, nhỏ nhất là 5 mm. Ở nhóm lao khớp, độ dày màng hoạt dịch trung bình là 8.9±6.7 mm, lớn nhất là 24 mm, nhỏ nhất 5.7 mm, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ dày màng hoạt dịch giữa 2 nhóm (p=0.07). Ở nhóm u màng hoạt dịch, có 01 bệnh nhân dày độ 1 (từ 3-6 mm), còn lại là dày độ 4 (>12 mm). Ở nhóm lao khớp, có 4 bệnh nhân dày độ 1, 2 bệnh nhân dày độ 2 và 1 bệnh nhân dày độ 4. Dịch ổ khớp thấy 2/6 bệnh nhân u màng hoạt dịch (chiếm 33%) và dịch trong, trong đó chỉ thấy 1/7 bệnh nhân lao khớp (chiếm 14%), dịch không trong. Ăn mòn xương gặp phổ biến ở những bệnh nhân lao khớp (6/7 bệnh nhân, chiếm 86%) trong khi đó chỉ gặp 2/6 bệnh nhân u màng hoạt dịch (chiếm 33%) nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p= 0.07). Phù tủy xương gặp ở 3/6 bệnh nhân u màng hoạt dịch (chiếm 50%) nhưng găp ở 6/7 bệnh nhân lao khớp (chiếm 86%), sự khác biệt cũng không có ý nghĩa thống kê (p=0.21). Không gặp bệnh nhân phù cơ trong nhóm u màng hoạt dịch nhưng có 4/7 bệnh nhân phù cơ trong lao khớp (chiếm 57%), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p=0.03). Tương tự đối với áp xe phần mềm không gặp ở nhóm u màng hoạt dịchnhưng đối với viêm khớp do lao, có 3/7 bệnh nhân (chiếm 43%).
Kết luận: Độ dày màng hoạt dịch và đặc điểm tổn thương ngoài khớp như phù nề và áp xe phần mềm cung cấp thông tin hữu ích trong việc phân biệt u màng hoạt dịch và lao khớp.
Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)