Nghiên cứu tình hình, các yếu tố liên quan đến biến chứng thần kinh ở bệnh nhân hậu nhiễm covid-19 tại Bệnh Viện Đa Khoa Kiên Giang năm 2022 - 2023
Nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình các yếu tố liên quan đến biến chứng thần kinh ở bệnh nhân hậu nhiễm covid-19.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút corona (SARS-CoV-2) được gọi là Covid-19, xuất hiện đầu tiên từ cuối năm 2019 tại thành phố Vũ Hán - Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hơn 200 quốc gia và các vùng lãnh thổ khác trên toàn thế giới SARSCoV-2 có nguồn gốc từ động vật, là một chủng hoàn toàn mới chưa xác định nhưng có khả năng lây lan từ người sang người qua cơ chế giọt bắn và trực tiếp. Dựa trên bằng chứng tăng nhanh số ca mắc bệnh và khả năng lây truyền bởi những người không có triệu chứng, SARS-CoV- 2 trở thành mối nguy hại cao và lây truyền rất nhanh đe doạ cộng đồng. Theo nghiên cứu, khoảng 80% số bệnh nhân mắc Covid-19 có biểu hiện nhẹ và thường tự hồi phục sau 1 tuần, 14% tiến triển đến viêm phổi và hơn 4% diễn tiến nặng gây suy hô hấp, suy đa cơ quan… cần phải chăm sóc tích cực. Dù tỷ lệ tử vong thấp từ 1,4 – 6,5% theo nhiều nghiên cứu nhưng với tốc độ lây nhiễm cao và số ca mắc tăng rất nhanh dẫn đến sự quá tải của hệ thống y tế. Nhằm thông báo cho các bác sĩ lâm sàng về những hậu quả thần kinh lâu dài có thể xảy ra do đại dịch để lên kế hoạch điều trị và can thiệp kịp thời cho bệnh nhân, và hiện tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào về rối loạn thần kinh ở bệnh nhân sau nhiễm Covid-19.
Đối tượng nghiên cứu:
Bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19 đến khám tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang. Hậu nhiễm Covid-19 được xác định qua hỏi bệnh sử, tiền sử trước đó bệnh nhân có sốt, sổ mũi, chảy nước mũi và/ hoặc viêm đường hô hấp cấp tính và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng kỹ thuật real-time RT-PCR. Bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên và đồng ý tham gia nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang có phân tích.
- Phương pháp chọn mẫu: Chọn mẫu thuận tiện, tất cả bệnh nhân thoả tiêu chuẩn lựa chọn và tiêu chẩn loại trừ đến khám tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang trong thời gian nghiên cứu.
- Phương pháp thu thập số liệu: Bệnh nhân được chẩn đoán hậu nhiễm Covid-19 đến khám tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang được khảo sát các đặc điểm nhân trắc, tiền sử bệnh nền qua bộ câu hỏi nghiên cứu soạn sẵn và đo cân nặng, chiều cao dựa vào công cụ chuẩn để tính chỉ số khối cơ thể.
- Phương pháp xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm thống kê SPSS 26.
Kết quả nghiên cứu tỷ lệ bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19 có biến chứng thần kinh chiếm tỷ lệ 48,7%. Tỉ lệ biến chứng thần kinh cụ thể như sau: Mệt mỏi 32,8%, sương mù não 6,1%, đau đầu 11%, mất ngủ 1,4%, suy giảm nhận thức 3,8%, chóng mặt 2,9%, yếu cơ 2,3%, đau cơ 27,8%, giảm khứu giác 26,1%, giảm vị giác 20,9%, mất thính lực/ù tai 2,3%, đột quỵ 4,9%, động kinh 0,3% và Hội chứng Guillain - Barré 0%. Qua phân tích đơn biến, chúng tôi tìm được bảy yếu tố có ý nghĩa thống kê trong mối liên quan với biến chứng thần kinh ở bệnh nhân hậu nhiễm Covid 19: tuổi, giới tính, nơi cư trú, chỉ số khối cơ thể (BMI), tiêm ngừa vaccin chống Covid-19, bệnh nhân có tiền sử nhiễm Covid-19 nặng trước đó, bệnh nền.
Tỷ lệ bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19 có biến chứng thần kinh chiếm 48,7%. Cụ thể như sau: mệt mỏi 32,8%, đau cơ 27,8%, giảm khứu giác 26,1%, giảm vị giác 20,9%, đau đầu 11%, sương mù não 6,1%, đột quỵ não 4,9%, suy giảm nhận thức 3,8%, chóng mặt 2,9%, yếu cơ 2,3%, mất thính lực/ù tai 2,3%, mất ngủ 1,4%, động kinh 0,3% và hội chứng Guiilain Barré chiếm tỷ lệ thấp nhất 0%. Có một số yếu tố liên quan như tuổi, giới tính, nơi cư trú, chỉ số khối cơ thể (BMI), tiêm ngừa vaccin chống Covid-19, bệnh nhân có tiền sử nhiễm Covid-19 nặng trước đó, bệnh nền.
Tạp chí y dược học Cần Thơ số 61/2023