SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tỉ lệ nhiễm chlamydia trachomatis và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tại bệnh viện phụ sản Thành phố Cần Thơ năm 2021 -2023

[31/08/2023 13:37]

Nghiên cứu nhằm xác định tỉ lệ nhiễm Chlamydia trachomatis và tìm hiểu một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu.

Trên thế giới, hiện nay tỉ lệ nhiễm CT trung bình ở thai phụ dao động từ 0,8% ở Châu Á đến 11,2% ở Mỹ Latinh . Tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm CT ở Hải Phòng là 6,7% và ở Hà Nội là 6% . Tầm soát nhiễm CT trong thai kỳ đã được chứng minh là có hiệu quả về chi phí khi tỉ lệ hiện nhiễm ≥3%. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) là một trong những bệnh lây truyền phổ biến nhất. Theo báo cáo giám sát STDs hằng năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, STDs tăng năm năm liên tiếp với gần 2,5 triệu ca nhiễm trong năm 2018 tại Hoa Kỳ. Trong đó, nhiễm Chlamydia là bệnh dẫn đầu với hơn 1,7 triệu ca tăng 2,9% so với năm 2017 . Ở phụ nữ mang thai nhiễm Chlamydia trachomatis (CT) có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non, thai lưu, ối vỡ non, nhiễm trùng ối, trẻ nhẹ cân,….. Khoảng 50% trường hợp mẹ nhiễm CT không được điều trị sẽ truyền sang bé trong khi sinh, có thể gây nhiễm trùng mắt có thể dẫn đến mù lòa và viêm phổi nếu không được điều trị.

Đối tượng nghiên cứu:

Tất cả các thai phụ đến khám thai tại khoa Khám Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ trong thời gian từ 7/2021 đến 6/2023.

Phương pháp nghiên cứu:

 - Thiết kế nghiên cứu: Cắt ngang mô tả, có phân tích.

- Phương pháp chọn mẫu: Kỹ thuật chọn mẫu thuận tiện với chọn tất cả các phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đến khám thai tại khoa Khám Bệnh viện Phụ Sản Thành phố Cần Thơ thỏa điều kiện đến hết thời gian nghiên cứu. - Phương pháp thu thập số liệu: Tiến hành phỏng vấn dựa trên phiếu thu thập số liệu được thiết kế sẵn gồm tuổi, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ học vấn, thu nhập gia đình, tiền thai, tiền sử phụ khoa, tuổi bắt đầu quan hệ tình dục, số bạn tình, triệu chứng cơ năng. Sau đó, thai phụ được lấy mẫu dịch trong cổ tử cung sàng lọc nhiễm CT bằng kỹ thuật RTPCR. Khi kết quả RT-PCR dương tính, thai phụ được điều trị ngoại trú theo phác đồ của Bộ Y tế gồm Azithromycin, Amoxicillin hoặc Erythromycin và Doxycillin cho bạn tình thai phụ, không quan hệ tình dục với bạn tình trong thời gian điều trị. Hẹn thai phụ 4 tuần sau tái khám để kiểm tra lành bệnh. Phiếu thu thập được sử dụng sau khi tham khảo câu hỏi chuẩn, phỏng vấn thử, điều chỉnh nhiều lần và mẫu dịch trong cổ tử cung được lấy bởi nhân viên y tế để hạn chế yếu tố nhiễu. - Xử lý và phân tích số liệu: Bằng phần mềm SPSS 26, sử dụng phép kiểm định Chi bình phương với độ tin cậy 95% và có ý nghĩa thống kê khi p<0,05.

Kết quả nghiên cứu tỉ lệ nhiễm Chlamydia trachomatis ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu là 4% (14/350 trường hợp). 57,1% thai phụ nhiễm Chlamydia trachomatis không có triệu chứng. Đối tượng có từ 2 bạn tình trở lên nhiễm Chlamydia trachomatis tăng gấp 5,84 lần (OR = 5,836; KTC 95%: 1,472-23,143) với p = 0,029. Đối tượng có tiền sử viêm nhiễm đường sinh dục dưới tăng nguy cơ nhiễm Chlamydia trachomatis gấp 3,38 lần (OR = 3,381; KTC 95%: 1,132-10,099) với p = 0,033.

Chlamydia trachomatis là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến, gây hậu quả nặng nề không chỉ ở phụ nữ mà cả trong thai kỳ. Tỉ lệ nhiễm Chlamydia trachomatis ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hiện vẫn còn cao là 4%, trong khi đa số thai phụ nhiễm Chlamydia trachomatis không có triệu chứng do đó sàng lọc Chlamydia trachomatis trong thai kỳ là cần thiết. Sàng lọc có thể dựa vào các yếu tố nguy cơ như nhiều bạn tình, có tiền sử viêm nhiễm đường sinh dục dưới. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị nên sàng lọc Chlamydia trachomatis thường quy trong thai kỳ để tránh bỏ sót các trường hợp nhiễm Chlamydia trachomatis không triệu chứng và không có yếu tố nguy cơ.

Tạp chí y dược học Cần Thơ số 61/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ