SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đốt nhiệt song cao tầm trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại Cần Thơ năm 2021 -2023

[31/08/2023 13:42]

Nghiên cứu nhằm khảo sát đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh lý ung thư biểu mô tế bào gan. Đánh giá kết quả điều trị ung thư biểu mô tế bào gan bằng đốt nhiệt sóng cao tần tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Tại Việt Nam, Đốt nhiệt sóng cao tần được áp dụng lần đầu từ năm 2002. Các kết quả nghiên cứu tại bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho thấy đây là phương pháp điều trị có nhiều ưu điểm như ít xâm lấn, tỉ lệ tai biến thấp, phục hồi bệnh nhanh, giá thành hợp lý . Tại Cần Thơ, Đốt nhiệt sóng cao tần đã triển khai tại một số bệnh viện. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị một cách đầy đủ. Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính thường gặp, trong đó ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) là dạng phổ biến nhất chiếm khoảng 90%. Bệnh diễn tiến nhanh và có tiên lượng xấu nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Đốt nhiệt sóng cao tần là phương pháp điều trị triệt căn được nhiều trung tâm trên thế giới áp dụng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của Đốt nhiệt sóng cao tần ở nhóm bệnh nhân (BN) giai đoạn sớm tương đương như phẫu thuật về thời gian sống thêm và chất lượng cuộc sống.

Đối tượng nghiên cứu:

Những BN được chẩn đoán là UTBMTBG, được điều trị bằng phương pháp Đốt nhiệt sóng cao tần tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện Ung bướu Thành phố Cần Thơ và bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, từ 03/2021 đến 04/2023.

Phương pháp nghiên cứu:

 - Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang.

- Phương pháp chọn mẫu: Tất cả các BN thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu, được thực hiện tại địa điểm và trong thời gian nghiên cứu.

- Phương pháp thu thập số liệu: Bảng thu thập số liệu, hồ sơ bệnh án, thăm khám. - Phương pháp phân tích và xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm SPSS 22.0.

Kết quả nghiên cứu Tuổi trung bình: 63 ± 10 tuổi. Nam/nữ: 2,5/1. Giá trị trung vị của AFP: 8,49 ng/mL. Kích thước u trung bình: 2,75 ± 0,96 cm. Số lần đốt trung bình mỗi u: 1,7 ± 1,3 lần. Thời gian đốt trung bình mỗi u: 24,8 ± 14,5 phút. Tỉ lệ biến chứng chung là 4,8%. Thời gian nằm viện trung bình sau can thiệp: 1,5 ± 0,9 ngày. Tỉ lệ khối u hoại tử hoàn toàn sau 1 tháng là 85,1%. Đáp ứng hoàn toàn sau đốt tại thời điểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng lần lượt là 83,3%, 80,5%, 80,6% và 68,2%. Tỉ lệ sống còn tại thời điểm 1 năm là 87,5%.

Đốt nhiệt sóng cao tần trong điều trị UTBMTBG là phương pháp an toàn và hiệu quả. Tỉ lệ tai biến biến chứng thấp, thời gian nằm viện ngắn. Kết quả điều trị khá tốt với tỉ lệ hoại tử u và đáp ứng điều trị cao, tỉ lệ tiến triển bệnh chấp nhận được. Tỉ lệ sống còn tại thời điểm 1 năm khá cao. Tuy nhiên, nghiên cứu còn hạn chế bởi thời gian theo dõi chỉ 12 tháng, do vậy cần theo dõi với thời gian dài hơn để đánh giá đáp ứng lâu dài một cách đầy đủ.

Tạp chí y dược học Cần Thơ số 61/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài