Doanh nghiệp logistics gặp nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số
Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics vẫn gặp không ít khó khăn như thiếu tính kết nối trong hệ thống, thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số...
Tại Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu là việc tích hợp, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra giá trị mới. Quá trình chuyển đổi số nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí, sinh sôi nảy nở và đạt lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp logistics.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể, trong số 34.249 doanh nghiệp đang hoạt động có 41,4% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ với số lao động dưới 5 người; 53,74% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 50 lao động; 4,12% số doanh nghiệp có quy mô vừa, dưới 300 lao động. Số doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm 0,7%.
Báo cáo Logistics Việt Nam 2022 của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, khoảng 70% số doanh nghiệp này tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu hoạt động ở quy mô nhỏ, 90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng.
Ảnh minh hoạ
Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho vận và khai báo hải quan. Có khoảng 46% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp, trong đó nổi bật là dịch vụ khai báo hải quan (gần như 100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics vẫn còn gặp không ít khó khăn như thiếu tính kết nối trong hệ thống, thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số, khó khăn về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, chất lượng dịch vụ không cao,... Ngoài ra, khoảng hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp.
Khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rào cản của doanh nghiệp đối với chuyển đổi số, đặc biệt với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, các yếu tố đặc biệt có tác động lớn cần quan tâm là chi phí đầu tư, thói quen kinh doanh, nhân lực nội bộ, cơ sở hạ tầng và lộ trình thực hiện.