Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh có vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh đồng thời giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, giảm thiểu lượng carbon.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Chuyển đổi số không chỉ thuần tuý là ứng dụng công nghệ thông tin
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tại Việt Nam đang chuyển nhanh sang kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn carbon thấp… trong đó kinh tế số là trọng tâm.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho rằng, cần chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ thuần tuý là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
GS.TS. Nguyễn Văn Phước chia sẻ kinh nghiệm tại Phiên tham luận.
Thứ trưởng kỳ vọng vào các giải pháp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng như góc nhìn, bài học kinh nghiệm và chương trình hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn tới. Đồng thời mong muốn sự kiện tạo ra nhiều kết nối, nhiều chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đến các địa phương.
Trong Phiên tham luận về Bài học kinh nghiệm và cam kết hỗ trợ cho Việt Nam chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững có sự tham gia của các cơ quan và tổ chức quốc tế như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Horizon Europe, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC). Nội dung của phiên này giúp các nhà hoạch định chính sách, đơn vị quản lý nhà nước, chuyên gia tư vấn chiến lược, và cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp cận, nắm bắt và phân tích các bài học kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi xanh và các giải pháp, chương trình, mô hình, cơ chế hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chuyển đổi xanh nhanh và bền vững hơn.
GS.TS. Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với bài tham luận “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong tình hình mới và “Đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các ngành chuyển đổi xanh”. Theo ông, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một sự kết hợp tối ưu vì thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh với mục tiêu: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, góp phần xóa đói, giảm nghèo tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Theo đó, các hoạt động của chuyển đổi xanh gồm chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.
TS. Jenny Elmaco, Điều phối viên của Horizon Europe tại khu vực Asean chia sẻ về cơ hội dành cho các nhà khoa học Việt đến châu Âu, cùng dự án phục vụ chuyển đổi xanh. Bà giới thiệu về Euraxess Asean, hỗ trợ các nhà nghiên cứu thông qua cơ hội học tập, gia nhập cộng đồng nhà khoa học. Các nhà khoa học muốn tìm kiếm thông tin, có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu lưu trữ của Horizon Europe. Một trong những trụ cột của chương trình là khoa học xuất sắc, nhằm củng cố mở rộng sự xuất sắc của các cơ sở khoa học. Nơi hội tụ các hội đồng nghiên cứu giỏi, quy tụ những nhà khoa học nổi tiếng, với nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.
TS. Jenny Elmaco chia sẻ về cơ hội dành cho các nhà khoa học Việt đến châu Âu cùng dự án phục vụ chuyển đổi xanh.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh tại Việt Nam, Campuchia, Lào, Mông Cổ và Thái Lan, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thông tin, IFC đã hỗ trợ cho nhiều dự án, trong đó cho vay 76 tỷ USD đối với công trình xanh. Bà Ngọc Diệp nhấn mạnh các doanh nghiệp chuyển đổi xanh đang được hỗ trợ lớn, có nhiều cơ hội nên doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Để khơi thông công trình xanh, doanh nghiệp cần chứng minh được mức hiệu quả tốt hơn so với các cơ sở tại địa phương; phải được xác nhận xanh của bên thứ ba độc lập; cùng báo cáo chi tiết về tính hiệu quả với môi trường. Bên cạnh đó, cần thực hiện các quy trình chuẩn xanh để được IFC đầu tư.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số
Mở đầu Phiên tham luận về Giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp là chia sẻ từ Rạng Đông, một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong chuyển đổi số với bài trình bày “Chiến lược chuyển đổi số của Rạng Đông, một doanh nghiệp sản xuất truyền thống”.
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, sự xuất hiện của không gian số đã làm cho thói quen, hành vi người dùng hoàn toàn thay đổi. Do đó, chuyển đổi số là mục tiêu của mọi doanh nghiệp. Nhưng mỗi đơn vị cần có một mô hình chuyển đổi số riêng để phù hợp với đặc điểm của mình. Ông Nguyễn Đoàn Kết chia sẻ, trên cơ sở nghiên cứu các khảo sát một số mô hình trên thế giới, Rạng Đông đã tự xây dựng mô hình gồm 4 lớp: thích ứng nhanh, linh hoạt với thay đổi của môi trường và thị trường; mở rộng không gian tăng trưởng theo cấp số nhân; triển khai mô hình kinh doanh số, bán hàng đa kênh, đa nền tảng và trải nghiệm khách hàng. Công ty tạo nên nhiều sản phẩm, hệ thống, dịch vụ số, thông minh. Đồng thời, đơn vị xây dựng dây chuyền sản xuất thông minh; ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động kinh doanh.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, doanh nghiệp nào tiên phong chuyển đổi xanh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Thông tin về “Hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Công đến từ Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đã và đang đồng hành với doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số, lập các kế hoạch chương trình hành động và cung cấp các sản phẩm dịch vụ. Theo ông, trong môi trường Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong đó có sự xuất hiện của thế hệ khách hàng mới... Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Ông Nguyễn Thành Công cho rằng, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, giảm chi phí, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Với bài tham luận về “Ứng dụng hệ thống tự động hóa quy trình nhằm mang lại tiềm năng về năng suất, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và số hóa các hoạt động”, ông Lê Việt Thắng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần 1Office cho rằng, tự động hóa quy trình là xương sống, hạt nhân của chuyển đổi số ở công ty hay các nhà máy. Có nhiều mô hình thiết kế rất khó để đưa vào thực thi, nên phải mô hình hóa để xác định tính khả thi. Bước tiếp theo là thực thi để biết sản phẩm chạy thế nào. Quá trình này phải kiểm soát để phát hiện trong quy trình tạm ứng, hay mua sắm hàng hóa chậm ở bước nào. Cuối cùng là tối ưu sản phẩm, ứng dụng.
Giám đốc điều hành Công ty cổ phần 1Office cho rằng, tự động hóa quy trình là xương sống, hạt nhân của chuyển đổi số ở doanh nghiệp.
Quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra thách thức cũng như cơ hội, từ việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp. Do vậy, việc xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra Lễ trao biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các tổ chức, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy và tăng cường tiềm lực công nghệ./.