Chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có một nền tảng số phù hợp
Chọn đúng nền tảng số giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh này, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất các bộ, ngành, và địa phương tăng cường hướng dẫn cho DNNVV về việc lựa chọn nền tảng số phù hợp. Vậy nền tảng số là gì?
Nền tảng số được định nghĩa là một hệ thống thông tin có các đặc điểm nhất định như tập hợp phần cứng, phần mềm và cơ sở dữ liệu, được thiết lập với các chức năng và tính năng chủ yếu để phục vụ giao dịch điện tử (GDĐT), đảm bảo tính xác thực và tin cậy trong các GDĐT. Nó cũng tạo môi trường điện tử cho các bên thực hiện giao dịch hoặc cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ hoặc sử dụng để phát triển chúng. Nền tảng không chỉ giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, mà còn thiết lập và lưu trữ dữ liệu người dùng. Đối với mỗi người sử dụng thêm vào nền tảng, dữ liệu càng phong phú, chi phí càng giảm, và giá trị tạo ra càng lớn.
Hiện nay, ở một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp DNNVV tham gia Chương trình Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số (SMEdx) cao như Thành phố Hà Nội (34%), thành phố Hồ Chí Minh (32,7%), thành phố Đà Nẵng (11,5%), Cà Mau (7,5%), Bình Dương (2,5%). Một số địa phương có tỷ lệ DNNVV tham gia thấp như Điện Biên, Hòa Bình, Tây Ninh, Hậu Giang.
Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này do các địa phương có tỷ lệ DNNVV sử dụng nền tảng số SMEdx cao cơ bản là các địa phương trải qua đợt đại dịch Covid khá nặng nề, do đó nhận thức của các doanh nghiệp về chuyển đổi số đều rất cao. Các địa phương này là các thành phố lớn nơi tập trung số lượng lớn các doanh nghiệp DNVVN, đồng thời các doanh nghiệp này có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, các chính sách cũng như công nghệ chuyển đổi số.
Tiêu biểu như Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025" hướng tới đối tượng hỗ trợ là các DNNVV được xác định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021, đăng ký trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số.
Các DNNVV cũng tận dụng cơ hội này để phát triển chuyển đổi số cho DN, trong đó có Công ty TNHH Đại Thành Vinh nhờ sử dụng nền tảng số mà quá trình vận hành kinh doanh đã trở nên thông suốt và nhanh chóng. Các cán bộ quản lý khi dùng nền tảng số này có thể theo dõi, làm việc trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.
Đại Thành Vinh chỉ là 1 trong rất nhiều DN đã có những bước chuyển đổi hiệu quả nhờ sử dụng các nền tảng số của chương trình SMEdx.
Những tiêu chí lựa chọn nền tảng số phù hợp cho doanh nghiệp
Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA chia sẻ kinh nghiệm để lựa chọn giải pháp phù hợp dựa theo 3 yếu tố: nhanh mang đến kết quả - chi phí hợp lý - dễ triển khai.
Về tốc độ triển khai, các hệ thống ERP tùy chỉnh của nước ngoài có thời gian triển khai tương đối dài, có thể lên tới 6 tháng, không phù hợp với đặc thù của các DNNVV vốn có nhiều biến động.
Đối với khía cạnh về chi phí, các DNNVV với nguồn lực tài chính có hạn nên ưu tiên lựa chọn phần mềm quản trị doanh nghiệp có thể tách nhỏ các nghiệp vụ và triển khai được theo từng giai đoạn của doanh nghiệp. Nền tảng cần có những giải phát tối ưu chi phí theo từng giai đoạn. Ví dụ, 4 phân hệ tài chính - kế toán, marketing - bán hàng, nhân sự và văn phòng số được phân chia thành các ứng dụng nhỏ, phù hợp với mọi nhu cầu theo quy mô, ngành nghề của từng doanh nghiệp. Nền tảng cần dễ dàng bổ sung các nghiệp vụ khác khi doanh nghiệp mở rộng quy mô chỉ trên một nền tảng duy nhất, giúp các DNNVV tiết kiệm chi phí và dữ liệu được liên thông, xuyên suốt, có tính kế thừa cao.
Cuối cùng, để đảm bảo dễ triển khai, các doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn phần mềm quản trị doanh nghiệp phù hợp với đặc thù của DNNVV tại Việt Nam, có thể theo sát doanh nghiệp trong hành trình phát triển mà không cần phải thay đổi nền tảng và dễ sử dụng để không mất nhiều thời gian đào tạo cho nhân viên.
Ngoài ra nền tảng phải có khả năng tích hợp, kết nối với bên thứ ba như các kênh tuyển dụng, ngân hàng, thuế, bảo hiểm và các startup nhằm giúp doanh nghiệp nhận được nhiều lợi ích hơn và có thể đặc thù hóa tối đa theo yêu cầu của mỗi doanh nghiệp.
Theo số liệu của Bộ TTT&TTT đến tháng 6/2023, số lượng các DNNVV tiếp cận, tham gia SMEdx là 849.291 DN, vượt 6,2% so với kế hoạch năm 2023 (800.000 DN).
Số lượng các DNNVV sử dụng chương trình SMEdx ước khoảng 135.329 DN, vượt 12,8% kế hoạch năm 2023 (120.000 DN).