Chuỗi hội thảo phổ biến các văn bản pháp luật mới về sở hữu trí tuệ
Nhằm phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật mới về sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức chuỗi Hội thảo khu vực về “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành”. Hai Hội thảo dành cho các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam và miền Trung đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng vào các ngày 15 và 17/11/2023. Dự kiến Hội thảo dành cho các tỉnh, thành phố phía Bắc sẽ được tổ chức tại TP. Hà Nội vào đầu tháng 12 tới.
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao đổi tại Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh, ngày 15/11/2023
Phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện này, ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung lần này với mục tiêu tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thi hành đầy đủ các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Nghị định có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 23/8/2023.
Ông Nguyễn Văn Bảy cũng nhấn mạnh với mục đích phổ biến cho các nhóm chủ thể liên quan các quy định mới về sở hữu trí tuệ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức chuỗi ba Hội thảo về “Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành” tại ba miền Bắc, Trung, Nam với nội dung tập trung chủ yếu vào các quy định về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, qua đó các văn bản pháp luật mới về sở hữu trí tuệ có thể đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước theo cách thức tích cực.
Toàn cảnh Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh
Ông Hoàng Anh, Phó trưởng phòng Phòng Pháp chế và Chính sách (Cục Sở hữu trí tuệ) trình bày tại Hội thảo tại TP Hồ Chí Minh
Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ Phòng Pháp chế và Chính sách (Cục Sở hữu trí tuệ) đã giới thiệu những điểm mới của Luật, Nghị định liên quan đến nhiều vấn đề: bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí; bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; khiếu nại về sở hữu công nghiệp; thủ tục xử lý đơn sở hữu công nghiệp; bảo hộ dữ liệu thử nghiệm; cạnh tranh không lành mạnh; đại diện và giám định sở hữu công nghiệp; bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; đăng ký và khai thác tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước…
Hội thảo dành cho các tỉnh, thành phố phía Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với sự phối hợp của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trên địa bàn Thành phố và các tỉnh lân cận…
Hội thảo dành cho các tỉnh, thành phố miền Trung được tổ chức tại Đà Nẵng có sự tham dự của 100 đại biểu đến từ một số cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, một số doanh nghiệp, hiệp hội và một số tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khu vực miền Trung…
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo tại TP Đà Nẵng, ngày 17/11/2023
Toàn cảnh Hội thảo tại TP Đà Nẵng, ngày 17/11/2023
Đại biểu tham dự các Hội thảo dành sự quan tâm đặc biệt cho một số quy định pháp luật mới về sở hữu trí tuệ như về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; về cách thức và thủ tục tạm dừng thẩm định để vượt qua đối chứng trong đăng ký nhãn hiệu; về kiểm soát an ninh đối với sáng chế; về ý kiến người thứ ba và thủ tục phản đối đơn; về thủ tục liên quan đến văn bằng bảo hộ; về việc xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; về giám định sở hữu trí tuệ…
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian thảo luận để hiểu rõ hơn về các quy định mới bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ và đặc biệt là các quy định hướng dẫn tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP liên quan đến việc đăng ký và khai thác tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Các câu hỏi đặt ra cho diễn giả về những nội dung mà hợp đồng về giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần có để phù hợp với quy định mới và đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của bên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, nghĩa vụ mà tổ chức chủ trì cần lưu ý trong quá trình đăng ký xác lập quyền, khai thác tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ như làm rõ hơn về nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả một lần hay nhiều lần...
Sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, tổ chức ở khu vực miền Trung và miền Nam cũng như quá trình thảo luận sôi nổi, hiệu quả đã cho thấy sở hữu trí tuệ ngày càng nhận được sự quan tâm đáng kể của xã hội, đặc biệt là các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Chính sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hoạt động sở hữu trí tuệ sẽ góp phần quan trọng đưa chính sách, pháp luật vào đời sống kinh tế - xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam nói riêng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nói chung và cuối cùng vì mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Hội thảo tại TP.Hồ Chí Minh được phát trực tiếp và có thể xem lại tại trang fanpage của Sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh: Phổ biến các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ mới ban hành - YouTube
https://ipvietnam.gov.vn (ntptuong)