SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Thạnh Phú" cho sản phẩm gạo

[15/02/2024 16:06]

Ngày 05/02/2024, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 68/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00137 “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Gạo và cơm nấu từ gạo Thạnh Phú

Giống lúa Nàng Keo là một giống lúa mùa cổ truyền được người dân trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm. Tên gọi Nàng Keo mang tên của một người con gái như một số giống lúa thơm khác như: Nàng Hương, Nàng Thơm, Nàng Tét, Nàng Gáo… Nàng Keo được trồng nhiều nhất trong vùng canh tác tự nhiên lúa – tôm tại huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre. Cây lúa tại huyện Thạnh Phú đã đi vào thơ ca “Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong”. Do có tính chịu mặn cao, lúa Nàng Keo rất thích hợp với mô hình lúa tôm ở các vùng đất ven biển nơi đất bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm ngập mặn và mô hình canh tác lúa tôm đang trở thành phương thức canh tác thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cho đến nay người dân Thạnh Phú vẫn giữ những nếp sống, thói quen sinh hoạt, nét văn hóa và phương thức canh tác lúa Nàng Keo truyền thống.

Gạo Thạnh Phú có hình dạng tròn ngắn, hạt chắc, đều, ít bị gãy vỡ, màu hồng nhạt và có mùi thơm nhẹ. Hạt gạo có chiều dài 5,13 – 5,91 mm, tỉ lệ dài/rộng 2,10 – 2,40, nhiệt độ hồ hóa ở mức trên 74oC. Ngoài ra, hàm lượng Amylose trong gạo ở mức 22,0 – 24,3 %, hàm lượng Protein ở mức 9,43 – 12,10 % và hàm lượng tinh bột là 72,20 – 75,30 %.

Các tính chất, chất lượng đặc thù của gạo Thạnh Phú có được là nhờ những điều kiện đặc thù tại vùng đất nơi đây. Khu vực địa lý có địa hình tương đối bằng phẳng với nhiều vùng trũng cục bộ. Nhiệt độ trung bình năm 27,3oC, tổng số giờ nắng trong năm trung bình 2.067 giờ, độ ẩm không khí trung bình năm 83%, biên độ nhiệt ngày đêm 11,4 – 14oC. Đặc điểm khí hậu ảnh hưởng lớn tới quá trình quang hợp của cây và tích lũy chất khô của hạt lúa, cũng như làm cho quá trình trổ bông, tích lũy dinh dưỡng của cây lúa được kéo dài. Nhờ vậy mà hàm lượng Protein trong gạo khá cao, trung bình ở mức 10,89 %.

Thổ nhưỡng khu vực địa lý bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn do triều cường, được bồi tụ hàng năm bởi hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Đất có thành phần cơ giới nặng, nhiễm mặn từ ít đến trung bình, độ pH (KCl) trung bình 5,61, hàm lượng P2O5 tổng số trung bình 0,31%, hàm lượng P2O5 dễ tiêu trung bình 0,18 mg/kg, K2O tổng số trung bình 2,33%, hàm lượng OM trung bình 33,33%, chỉ số EC trung bình 0,48 mS/cm. Nguồn nước tưới cho gạo Thạnh Phú cũng là nước lợ với chỉ số tổng chất rắn hòa tan (TDS) ở mức từ 600 đến 1.830 mg/l. Độ mặn có ảnh hưởng tới hàm lượng 2-acetyl-1-pyroline (2AP) trong hạt gạo, hợp chất dễ bay hơi chính của hương gạo dẫn tới hạt gạo có mùi thơm hơn. Các chỉ số P2O5, K2O trong đất trồng gạo Thạnh Phú là nguồn dinh dưỡng thích hợp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển trong giai đoạn đầu, cho nên đất gieo sạ không cần cày xới, bón lót phân lân, vôi cải tạo đất, phân chuồng ủ hoai… giải độc phèn giúp lúa phát triển tốt ngay từ thời kỳ đầu.

Cánh đồng lúa Thạnh Phú

Ngoài các yếu tố về tự nhiên, quy trình canh tác, chăm sóc của người dân Thạnh Phú cũng góp phần tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm gạo Thạnh Phú. Người dân địa phương chỉ sử dụng duy nhất giống gạo Nàng Keo địa phương để sản xuất gạo Thạnh Phú. Ngoài ra, tại đây áp dụng hình thức canh tác lúa – tôm, do đó người dân chỉ gieo cấy lúa một vụ trong năm từ tháng 7 đến tháng 12 dương lịch. Trong các tháng còn lại, ruộng lúa được tận dụng để làm đầm nuôi tôm. Việc luân xen canh với vụ nuôi tôm nên xác bã động vật, thực vật phân huỷ tạo nên lớp đất mùn xốp trên tầng đất canh tác. Cũng do việc luân canh lúa – tôm, trước khi cấy sạ, người dân địa phương phải sử dụng nước ngọt để rửa mặn thông qua hệ thống các cống cấp thoát nước và phơi mặt ruộng từ 03 đến 07 ngày.

Bên cạnh hình thức canh tác lúa – tôm, những nhà nông tại Thạnh Phú còn có kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh độc đáo. Khi côn trùng gây hại xuất hiện lúc lúa còn nhỏ, nước sẽ được dẫn vào ngập đọt lúa trong vài giờ rồi tháo nước ra (mỗi tháng thực hiện 1-2 lần theo nước triều dâng). Khi lúa đã lớn, đưa nước dâng cao đến gần cổ lá. Ngoài ra, người dân còn kết hợp thả cá nuôi trong ruộng lúa hoặc hoặc thả vịt con vào ruộng sau khi sạ 30 ngày phòng để trừ sâu rầy. Kỹ thuật này giúp tăng chất lượng gạo là do cây lúa hoàn toàn khỏe mạnh và không bị tác động của hóa chất độc hại nên sản xuất ra hạt gạo có chất lượng ngon hơn so với khi phun thuốc trừ sâu, cũng như tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu và công phun.

Vào tháng 12, khi lúa đã chín đạt trên 85 % sẽ tiến hành thu hoạch. Lúa sau khi gặt sẽ được đập lấy hạt và phơi 3 nắng, sau đó tiến hành quạt sạch và bảo quản ở những nơi khô ráo trong nhà nhằm tránh hiện tượng mối mọt và ẩm mốc. Gạo chỉ được xay xát trước khi mang ra sử dụng hoặc thương mại để duy trì chất lượng và các giá trị dinh dưỡng.

Khu vực địa lý sản xuất sản phẩm gạo Thạnh Phú gồm các xã An Nhơn, An Điền, Giao Thạnh, Thạnh Phong, An Thạnh, An Qui, Mỹ An thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre./.

https://ipvietnam.gov.vn/ (ntptuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ