SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát thải khí nhà kính từ các vườn bưởi da xanh (Citrus maxima Burm. Merr.) canh tác theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam và canh tác thông thường

[12/03/2024 14:21]

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Thu Hiền và Lê Trần Thanh Liêm thuộc Khoa Sinh học và Môi trường, Trườg Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chi Minh và Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ.

Nông nghiệp dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu nhưng đồng thời cũng là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể (Praveen & Sharma, 2019). Gia tăng khí nhà kính là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu nhanh chóng và khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (IPCC, 2013). Canh tác nông nghiệp theo phương pháp truyền thống phụ thuộc nhiều vào phân bón hóa học sẽ dẫn đến các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, canh tác theo bộ tiêu chí thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP) đòi hỏi người sản xuất áp dụng tiêu chuẩn đảm bảo kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe (Hà, 2014; Loan et al., 2016; Chau, 2017; Nguyen et al., 2019; Hoang, 2020). VietGAP được ban hành để chứng nhận chất lượng của từng sản phẩm, nhóm sản phẩm như thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Nông dân áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất theo VietGAP hướng đến nền sản xuất thân thiện với môi trường, phát triển bền vững để bảo vệ sức khỏe của chính họ, thực hiện các trách nhiệm với môi trường và cung cấp các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Phương pháp đánh giá vòng đời (Life Cycle Assessment, LCA) có thể định lượng, đánh giá, so sánh và cải thiện các tác động môi trường tiềm tàng từ việc mua nguyên liệu thô, sản xuất, sử dụng và quản lý chất thải. Ngoài ra, LCA thể hiện sự đánh đổi tác động môi trường tiềm năng thực tế từ hiện tại của một quá trình sản xuất sang một phương thức sản xuất khác (Curran, 2014). LCA cũng có thể được sử dụng để đánh giá các mối quan tâm về môi trường của các hệ thống cây trồng nông nghiệp. Phương pháp này thường tập trung vào vật tư đầu vào cung cấp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và các hoạt động canh tác (Sieverding et al., 2020). Trong nghiên cứu phát thải từ các vườn cây có múi, LCA đã được sử dụng để ước tính lượng phát thải khí nhà kính về diện tích trồng trọt và trọng lượng tươi của các sản phẩm bao gồm: chanh, chanh không hạt, quýt và cam (Martin-Gorriz et al., 2020; Mazis et al., 2021; Liem et al., 2022). Bên cạnh đó, phát thải được so sánh từ 2 mô hình canh tác thông thường và canh tác hữu cơ với phương pháp tưới ngầm và tưới ngập nước cho các vườn cam đã được thực hiện bởi (Hondebrink et al., 2017). Okuda et al. (2007) quan sát 3 khí nhà kính CO2, N2O và CH4 từ các vườn quýt được che phủ và không che phủ mặt vườn. Maestre-Valero et al. (2018) thực hiện nghiên cứu so sánh về nhu cầu tiêu hao năng lượng và phát thải khí nhà kính từ các vườn bưởi áp dụng các phương pháp tưới tiêu khác nhau.

Bưởi là một trong 14 cây ăn trái chủ lực của Việt Nam đến năm 2025 và 2030 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2022). Theo đó, định hướng phát triển diện tích trồng đạt khoảng 110 − 120 ngàn ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt 1,2 − 1,6 triệu tấn. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vùng trồng bưởi trọng điểm được quy hoạch phát triển tại 4 tỉnh bao gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Hậu Giang. Năm 2021, diện tích trồng bưởi đạt 108.300 ha, tăng 2.900 ha so với năm 2020 (Tổng cục Thống kê, 2022). Tính riêng trong 4 tháng cuối năm 2021, sản lượng bưởi cả nước đạt 1.006.900 tấn, tăng 8% so với năm 2020 (General Statistics Office of Viet Nam, 2021). Ở Bến Tre, bưởi da xanh được liệt kê vào nhóm cây ăn trái có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Chính vì vậy, bưởi da xanh đã được xác định là một trong 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2025 (Tỉnh ủy Bến Tre, 2016). Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre (2018), bưởi da xanh được trồng tập trung ở các huyện Châu Thành (hơn 3.150 ha), Giồng Trôm (1.619 ha), Mỏ Cày Bắc (1.220 ha) và thành phố Bến Tre (767 ha). Theo kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, dự kiến đến năm 2025, bưởi da xanh cùng nhóm ngành hàng rau quả sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 165 triệu USD, tăng bình quân 6,99%/năm (Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, 2021). Như vậy, bưởi da xanh là cây ăn trái có giá trị quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của không chỉ tỉnh Bến Tre mà còn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Mặc dù, mô hình trồng bưởi da xanh có đóng góp rất quan trọng cho nền kinh tế của địa phương và góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, mô hình canh tác này cũng tồn tại những hạn chế đến môi trường thông qua việc phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác. Trong nghiên cứu này, tác động tiêu cực của mô hình canh tác bưởi da xanh đến quá trình biến đổi khí hậu sẽ được lượng hóa bằng lượng khí carbonic tương đương (CO2 equivalent, CO2e) được ước lượng trên một ha đất vườn canh tác hoặc trên một tấn trọng lượng sản phẩm trái cây tươi. Nghiên cứu được thực hiện cũng sẽ so sánh tác động này từ hai phương pháp canh tác bưởi da xanh khác nhau bao gồm: canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và canh tác thông thường.

Qua quá trình nghiên cứu, có thể kết luận bưởi da xanh là cây ăn trái có giá trị quan trọng trong lĩnh vực trồng trọt của Việt Nam. Việc đánh giá phát thải từ mô hình canh tác này sẽ góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững nền nông nghiệp trong tương lai. Kết quả đã cho thấy, vườn bưởi da xanh canh tác theo phương pháp thông thường trong một năm đã phát thải cao hơn các vườn bưởi da xanh canh tác theo mô hình VietGAP (3.996,1 ± 888,5 kg-CO2e ha–1 và 2.688,7 ± 994,7 kg-CO2e ha–1). Mặc dù, sản xuất theo VietGAP tạo năng suất thấp hơn phương pháp thông thường. Tuy nhiên, khí nhà kính phát thải tính theo trọng lượng sản phẩm thì trái bưởi da xanh canh tác theo VietGAP đạt được giá trị tốt hơn so với trái bưởi da xanh canh tác theo phương pháp thông thường (174.1 ± 57.8 và 253.8 ± 58.7 kg-CO2e tấn–1).

Để giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong canh tác bưởi da xanh, dựa vào các nghiên cứu của các loài cây có múi khác trên thế giới, 4 nhóm giải pháp tiềm năng được hệ thống như sau: 1. Tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón hóa học; 2. Thay thế một phần phân bón hóa học hoặc canh tác hữu cơ; 3. Tối ưu hóa hiệu quả tưới tiêu và ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước; 4. Nâng cao năng suất bưởi da xanh bằng việc thay đổi phương pháp tưới DI, sử dụng PGRs và ứng dụng phân bón sinh học.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 31- 41
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ