Khả năng hấp thu đạm, lân của sậy (Phragmites australis) trong hệ thống đất ngập nước
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Nguyễn Điền Châu và Trương Hoàng Đan thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng Bình Minh và Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ.
Ngành gà rán công nghiệp với quy mô ngày càng mở rộng, song song đó lượng nước thải từ quá trình sơ chế gà rán công nghiệp cũng là vấn đề cần quan tâm. Đây là một trong những loại nước thải đặc trưng khi có nồng độ chất hữu cơ, chất dinh dưỡng cao và chứa một số thành phần ức chế sinh học. Cây sậy được sử dụng rộng rãi trong việc xử lý các loại nước thải khác nhau bằng đất ngập nước kiến tạo (Vymazal & Lenka, 2005; Kadlec et al., 2006).
Sậy có khả năng giữ một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong nước thải qua lượng sinh khối của chúng (Windham & Ehrenfeld, 2003). Các thực nghiệm của Anh và ctv. (2019a, 2019b) đã chứng minh rằng sậy đã loại bỏ một lượng lớn nitrogen trong nước thải bằng cách hấp thu thông qua hệ thống rễ của chúng. Đặc biệt, hệ sinh vật xung quanh rễ của chúng vô cùng phong phú, có thể phân huỷ chất hữu cơ và hấp thụ kim loại nặng trong nhiều loại nước thải khác nhau. Nghiên cứu hiệu suất xử lý nước thải sinh hoạt của hệ thống đất ngập nước kiến tạo (cây sậy) nền cát vận hành với mức tải nạp thủy lực cao do Trang và Brix (2012) thực hiện và kết luận rằng khả năng xử lý TSS, PO4-P và TP là rất hiệu quả và không đổi cho cả hai mức lưu lượng (600 L/ngày và 1.200 L/ngày) với hiệu suất xử lý trung bình tương ứng là khoảng 94%, 99% và 99%. Trong khi đó, hiệu suất xử lý BOD5, COD, NH4+-N và TKN giảm ở mức lưu lượng cao (1.200L/ngày), với giá trị trung bình tương ứng là 47 – 71%, 68 – 84%, 63 – 87% và 69 – 91%.
Một số nghiên cứu kết hợp giữa phương pháp hóa lý và sinh học đã được thực hiện như: Cui et al. (2014) đã kết hợp quá trình oxy hóa ozone và lọc khí sinh học (Biological Aerated Filter – BAF) để xử lý Cyanide trong nước thải mạ điện, hiệu quả khử CN−, COD, Cu2+ và Ni2+ tương ứng là 99,7%, 81,7%, 97,8% và 95,3%; Tùng và Cẩm (2017) đã nghiên cứu xử lý hơn 90% COD trong nước thải chế biến sữa bằng phương pháp lọc sinh học hiếu khí kết hợp với Bèo Cái; hoặc nghiên cứu của Hoàng và ctv. (2017) đã kết hợp phương pháp ozone với phương pháp sinh học để tiền xử lý nước rỉ rác bằng keo tụ điện hóa kết hợp Fenton-ozone. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong và ngoài nước sử dụng phương pháp ozone hóa kết hợp với thủy sinh thực vật trong việc loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước thải vẫn còn rất hạn chế. Việc áp dụng phương pháp ozone hóa kết hợp với phương pháp thủy sinh thực vật nhằm mục đích tận dụng được các ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của từng phương pháp để xử lý hiệu quả nước thải sơ chế gà rán công nghiệp (Châu và ctv., 2017).
Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá khả năng hấp thu đạm, lân trong nước thải sơ chế gà rán công nghiệp đã qua tiền xử lý bằng ozone của sậy trồng trong hệ thống đất ngập nước.
Qua quá trình thí nghiệm, kết luận được như sau: sậy trồng trong hệ thống đất ngập nước chảy ngầm theo phương ngang thích nghi và sinh trưởng tốt trong môi trường nước thải sơ chế gà rán công nghiệp (đã qua tiền xử lý bằng ozone). Cây sậy trồng trong hệ thống đất ngập nước đã góp phần làm giảm khoảng 11,22% TN và 8,88% TP trong nước thải đầu vào thông qua việc hấp thu và tích lũy vào sinh khối.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 59, Số Chuyên đề: Môi trường và Biến đổi khi hậu (2023): 89-96.