SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bước tiến mới trong sản xuất nhân tạo và nuôi thương phẩm cá ngựa đen

[12/03/2024 16:21]

Hiện nay, để xuất khẩu cá ngựa sống làm cảnh hay các sản phẩm dược liệu từ cá ngựa ra nước ngoài, cần chứng minh được việc thương mại cá ngựa không đe dọa đến sự tồn tại lâu dài của chúng trong tự nhiên...

Yêu cầu này đang là một thách thức cho ngành nuôi  và xuất khẩu cá ngựa của Việt Nam. Từ thực tế trên, Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm giống và nuôi thương phẩm nguồn gen cá ngựa đen (Hippocampus kuda Bleeker, 1852)”, mã số NVQG-2019/DA.17, giai đoạn 2019-2022.

Trên  thực  tế  tại  Việt  Nam,  cá  ngựa  đen  đã  được nghiên cứu và thử nghiệm sinh sản nhân tạo, ương nuôi giống... Một số hoạt động tiêu biểu như: thử nghiệm nuôi thương phẩm tại Khánh Hòa, Quảng Nam, thử nghiệm sinh sản nhân tạo một số loài cá ngựa tại Nha Trang, so sánh thành phần hóa sinh và dược tính của cá ngựa đen nuôi thương phẩm và khai thác tự nhiên tại Khánh Hòa...

Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn do các vấn đề sau:

Thứ nhất, cá ngựa bố mẹ đều được thu thập từ tự nhiên, khi cá đã thụ tinh mới cho vào bể đẻ và ương nuôi thành cá ngựa giống. Do đó, nguồn gen cá ngựa vẫn là khai thác từ tự nhiên, dẫn đến nguồn lợi tiếp tục bị suy giảm và vi phạm công ước CITES nên cá ngựa sản xuất theo hướng này không đủ điều kiện xuất khẩu.

Thứ hai, thử nghiệm sinh sản nhân tạo, ương nuôi cá giống, cá ngựa đen thương phẩm đã được triển khai ở một số địa phương như Khánh Hòa, Quảng Nam, song kỹ thuật, quy trình và quy mô ương nuôi cá ngựa giống, thương phẩm và hậu bị, cá bố mẹ giai đoạn F1 chưa được hoàn thiện, còn những hạn chế nhất định về năng suất, tỷ lệ sống...

Thứ ba, cá ngựa đen được đưa vào danh mục đối tượng bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen quý hiếm và đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế của nhiều tỉnh như:

Phú Yên, Quảng Nam, Kiên Giang... Do đó, việc khai thác và phát triển nguồn gen cá ngựa cần phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi tỉnh, tránh nguy cơ bị suy giảm nguồn lợi. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thả 500 con cá ngựa bố mẹ (cá ngựa bố mẹ là thế hệ F1, được người dân nuôi trong bể hoặc lồng), với mỗi con cá bố sinh ra trung bình 400 con cá bột/lần đẻ. Sau 3-4 tháng nuôi vỗ, cá thành thục và sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt, tỷ lệ thành thục khoảng 65%. Tổng số cá giống dự án sản xuất được là khoảng 100.000 con, kích thước 20-30 mm/con, tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống đạt ≥ 50% (≥20 mm/con). Ở mô hình nuôi thương phẩm cá ngựa trong bể (xi măng và composite), nhóm nghiên cứu đã nuôi thương phẩm thành công trên 5.000 con/năm/mô hình. Cá ngựa thương phẩm ở cả 2 bể nuôi đạt kích thước 60-120 mm/con, tỷ lệ sống ≥80%. Có thể khẳng định, kết quả của dự án đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm, ngành nghề mới cho người dân vùng ven biển; tăng hiệu quả kinh tế cho các trại sản xuất giống, lồng bè nuôi mà ngư dân đã có. Đặc biệt, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về nuôi vỗ thành thục cá ngựa đen bố mẹ trong điều kiện nhân tạo, vừa giúp tái tạo nguồn lợi trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang nói riêng, vừa góp phần duy trì và phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản của nước ta nói chung.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Số 03 - 2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ