SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tác dụng bảo vệ thận của cao chiết từ lá cây Húng quế trên chuột được gây đái tháo đường

[15/03/2024 23:29]

Nghiên cứu tác dụng bảo vệ thận của cao chiết từ lá cây Húng quế trên chuột được gây đái tháo đường do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thực hiện.

Bệnh thận đái tháo đường (Diabec nephropathy) là một trong những biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân đái tháo đường có thể mắc phải và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống cùng tăng chi phí điều trị cho bệnh nhân. Sự tăng đường huyết không được kiểm soát sẽ sản sinh nhiều gốc tự do, dẫn đến tổn thương tế bào do stress oxy hóa và có vai trò quan trọng trong sự tiến triển của các biến chứng mạch máu trong bệnh lý đái tháo đường, bao gồm bệnh thận mạn. Xu hướng tìm kiếm nguồn nguyên liệu ềm năng có nguồn gốc từ tự nhiên với đặc điểm phổ biến, dễ trồng đang được quan tâm nhờ ưu điểm an toàn, ít tác dụng không mong muốn và hiệu quả đã được minh chứng qua kinh nghiệm dân gian hoặc tri thức y học bản địa. Húng quế (Ocimum basilicum L., sweet basil, húng giổi, húng chó, rau quế, é quế) là một loại rau thơm được trồng phổ biến ở nước ta. Ngoài việc được sử dụng làm gia vị trong thực phẩm, Húng quế còn được sử dụng trong y học cổ truyền làm thanh nhiệt, lợi tiểu, lương huyết, giảm đau. Bột lá Húng quế (Basil) đi từ nguyên liệu tươi được sấy khô, được sử dụng như dạng trà giúp kiểm soát đường huyết. Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy thành phần tinh dầu (eugenol, chavicol, linalool, α-terpineol) từ Húng quế có khả năng chống oxy hóa mạnh. Cao chiết và flavonoid (thành phần chính là quercen, rutin, acid rosmarinic, acid ellagic) từ cây Húng quế đã được chứng minh có tác dụng hạ đường huyết và bảo vệ gan, thận ở chuột bị đái tháo đường. Kế thừa các công bố tiền đề này, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định cao chiết tiềm năng từ lá cây Húng quế có tác dụng cải thiện các chỉ số creanine, BUN (Bloodurea nitrogen) trong huyết tương và malondialdehyde (MDA, marker của peroxy hóa lipid), glutathione (GSH) trong thận chuột bị đái tháo đường.

Đối tượng và phương pháp: Cao chiết cồn 45% hoặc 96% từ lá Húng quế được cho uống ở các liều tương đương với 1.25 g và 2.5 g dược liệu trên chuột được gây đái tháo đường bằng streptozotocin (STZ). Xác định nồng độ glucose, creanine, BUN bằng các bộ kit thương mại. Hàm lượng malondialdehyde (MDA), glutathione (GSH) trong dịch đồng thể thận chuột được xác định bằng thử nghiệm acid thiobarbituric và thuốc thử Ellman. Kết quả: Ở chuột được tiêm STZ và cho uống cao chiết cồn 45% (360 mg/kg và 720 mg/kg) có nồng độ glucose, creanine và BUN trong huyết tương giảm so với lô chứng bệnh. Cao chiết cồn 96% (230 mg/kg và 460 mg/kg) làm hạ glucose máu nhưng không làm thay đổi nồng độ creanine và BUN. Cao chiết cồn 45% làm giảm MDA và tăng GSH trong thận chuột.

Húng quế (Ocimum basilicum L.)

Kết quả nghiên cứu cho thấy Cao chiết cồn 45% từ lá Húng quế ở liều uống 360 mg/kg và 720 mg/kg có tác dụng hạ đường huyết và bảo vệ thận chuột bị gây đái tháo đường thực nghiệm bằng streptozotocin, thể hiện qua tác dụng làm giảm nồng độ glucose, creanine và BUN trong huyết tương; giảm hàm lượng MDA (marker của tổn thương oxy hóa) và tăng hàm lượng chất chống oxy hóa nội sinh GSH trong dịch đồng thể thận. Kết quả nghiên cứu sẽ là tiền đề khoa học cho những nghiên cứu ứng dụng lá cây Húng quế.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Số 26 - 11/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ