Công thức và đánh giá hoạt tính hạ đường huyết viên nhai cao chiết nước ép củ Gừng tươi (Zingiber officinale)
Mục đích của nghiên cứu là phát triển công thức viên nhai hiệu quả từ cao chiết nước ép củ Gừng tươi ở Việt Nam bằng phương pháp bề mặt đáp ứng (RSM). Viên nhai Gừng (100 mg) được bào chế bằng phương pháp nén trực tiếp sử dụng tá dược siêu rã crospovidon (CP).
Theo xu hướng chung hiện nay, con người ngày càng thích dùng sản phẩm từ thiên nhiên để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên thể hiện những ưu điểm như ít tác dụng phụ, rẻ tiền và là xu hướng phát triển của ngành công nghiệp dược thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù công nghệ tổng hợp Hóa dược phát triển nhưng 80% chăm sóc sức khoẻ ban đầu đều từ nguồn dược liệu thiên nhiên. Việt Nam là một nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, đã cung cấp hàng ngàn loại dược liệu quý đáp ứng cho nhu cầu phòng và chữa bệnh. Ngay cả các loại rau - quả, gia vị trong bữa ăn hàng ngày cũng có nhiều hoạt tính sinh học quý giá.
Gừng là gia vị cổ truyền được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo. Củ gừng được sử dụng để giảm đau và điều trị một số bệnh thông thường chẳng hạn như đau đầu, cảm lạnh, buồn nôn và nôn mửa. Nhiều hoạt chất trong củ Gừng đã được xác định như phenolic và terpen. Các hợp chất phenolic chủ yếu là gingerol, shogaol và paradol đã tạo nên các hoạt tính sinh học khác nhau của gừng. Trong những năm gần đây, gừng đã được chứng minh có các hoạt tính sinh học đa dạng bao gồm hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn và kháng ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng gừng có tiềm năng ngăn ngừa và kiểm soát một số bệnh như thoái hóa thần kinh, bệnh m mạch, béo phì, đái tháo đường, rối loạn hô hấp, buồn nôn và nôn do hóa trị liệu. Tuy nhiên, việc sử dụng trực tiếp dược liệu hoặc cao chiết dược liệu có nhiều hạn chế như: cần có kiến thức về dược liệu; tốn nhiều thời gian, công sức và vật tư; nhiều loại dược liệu có mùi vị khó chịu.
Ngày nay, ngoài các dạng bào chế đông dược truyền thống như thuốc nước, rượu thuốc, viên hoàn cứng, hoàn mềm,... cũng như nhiều chế phẩm từ dược liệu được bào chế dưới dạng chế phẩm tân dược như viên nén, viên bao, viên nang, viên nang mềm, trà thuốc,... giúp dễ lưu trữ, tác dụng nhanh, tiện dụng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, viên nhai là dạng thuốc được bào chế dưới dạng viên nén đặc biệt. Đặc điểm của viên nhai là cần phải nghiền nhỏ bằng răng trước khi nuốt. Dạng viên này thích hợp đối với bệnh nhân nằm liệt giường khó nuốt, trẻ em, người già trên 60 tuổi hoặc trong trường hợp không có nước sẵn để uống như khi di chuyển trên đường. Mục đích khi sử dụng viên nhai là giúp tăng khả năng hấp thu thuốc, giúp người dùng dễ nuốt hơn thông qua hoạt động nghiền nhỏ chế phẩm. Hơn nữa, viên nhai còn tạo cảm giác ngon miệng, ổn định, liều dùng chính xác và dễ phân phối. Do vậy, mục đích của nghiên cứu này là tối ưu hóa thành phần công thức và xác định hoạt tính hạ đường huyết của viên nhai cao chiết của nước ép củ Gừng tươi (Zingiber officinale) ở Việt Nam. Nghiên cứu hy vọng sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ củ Gừng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, kết quả của nghiên cứu có thể góp phần nâng cao giá trị cây gừng ở Việt Nam, nâng cao thu nhập cho người trồng, mở rộng vùng trồng gừng và giảm việc nhập khẩu các sản phẩm từ gừng vào Việt Nam.
Hai mươi công thức được chuẩn bị và hỗn hợp bột được đánh giá các thông số trước khi nén bao gồm góc nghỉ, tỷ trọng khối, tỷ trọng riêng hạt, chỉ số nén và chỉ số Hausner. Các viên nhai có công thức này được đánh giá về sự thay đổi trọng lượng, độ cứng, độ mài mòn và độ rã.
Hình ảnh bột viên và viên nhai ở công thức tối ưu
Công thức viên nhai cao chiết củ Gừng tươi đã phát triển thành công thông qua thiết kế thực nghiệm RSM với các biến độc lập gồm tỷ lệ MCC, CP và PVP-K30. Kết quả cho thấy tất cả công thức đều thể hiện thông số bột tốt và thông số viên nén thỏa mãn tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam V gồm: độ đồng đều khối lượng, độ cứng, độ mài mòn và độ rã. Mô hình độ mài mòn và độ rã đã được xây dựng thành công và có ý nghĩa thống kê (p < 0.05). Hơn nữa, viên nhai và cao chiết củ Gừng tươi đã thể hiện hàm lượng TPC cao và hoạt tính ức chế enzym α-glucosidase tốt khi so sánh với thuốc đối chiếu acarbose. Tóm lại, việc áp dụng phương pháp DoE (thiết kế thí nghiệm) đã phát triển thành viên nhai từ cao chiết củ Gừng tươi với chất lượng tốt, quy trình sản xuất đơn giản và tiết kiệm chi phí.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Số 26 - 11/2023