SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chiết xuất và tối ưu hóa hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết lá Đinh lăng với sự hỗ trợ của vi sóng

[18/03/2024 19:37]

Nghiên cứu khảo sát hàm lượng phenolic tổng (TPC), hàm lượng flavonoid tổng (TFC) và hoạt tính chống oxy hóa in vitro của cao chiết từ lá Đinh lăng bằng phương pháp hỗ trợ vi sóng.

Đinh lăng là cây thuộc loài Polyscias frucosa, họ Araliaceae cùng họ với Nhân sâm. Đa số các loài thuộc chi Polyscias được làm cây cảnh, chỉ có một số loài được nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng sinh học để sử dụng làm thuốc, trong đó loài Đinh lăng lá nhỏ (Polyscias frucosa (L.) Harms) được sử dụng phổ biến nhất. Đinh lăng được nghiên cứu bắt đầu từ những năm 60, là một cây thuốc quý được đưa vào Dược điển Việt Nam như một vị thuốc bổ khí, lợi sữa, tăng lực và chống stress hay còn gọi là “Nhâm sâm của người nghèo”. Nhiều nghiên cứu cho thấy loài Polyscias frucosa chứa thành phần saponin, polyacetylen, tinh dầu, flavonoid và phenolic với hoạt tính sinh học đa dạng như chống trầm cảm, giảm stress, cải thiện trí nhớ, chống oxy hóa, hạ đường huyết, bảo vệ gan, kháng nấm và kháng khuẩn. Bên cạnh đó, Đinh lăng lá nhỏ là loại cây dễ trồng, rẻ tiền do phù hợp với điều kiện môi trường ở Việt Nam. Vì thế, Đinh lăng lá nhỏ được quy hoạch trồng nhiều nơi trong cả nước với hy vọng tìm ra những công dụng thay thế cho Nhân sâm khá đắt tiền và ngày càng quý hiếm.

Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm của Polyscias frucosa đã được phát triển và được coi như một liệu pháp điều trị thay thế thuốc. Tính ổn định của các hoạt chất của Polyscias frucosatrong quá trình chiết xuất và bảo quản là một thách thức lớn. Nhiệt độ và thời gian chiết xuất có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của các hoạt chất trong cao chiết Polyscias frucosa. Hàm lượng flavonoid, saponin và dẫn chất phenolic giảm đáng kể khi nhiệt độ tăng. Ngoài ra, phương pháp chiết xuất hiện đại với hỗ trợ vi sóng ngày càng phát triển với ưu điểm là hàm lượng hoạt chất và hiệu suất chiết vượt trội hơn phương pháp thông thường. Tuy nhiên, ứng dụng phương pháp chiết xuất hỗ trợ vi sóng cũng như tối ưu hóa điều kiện chiết xuất ở lá Đinh lăng còn rất hạn chế. Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu là chiết xuất hiện đại với sự hỗ trợ vi sóng và đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết lá của Đinh lăng lá nhỏ với hy vọng góp phần tăng minh chứng khoa học về hoạt tính chống oxy hóa của lá Đinh lăng ở Việt Nam. Ngoài ra, điều kiện chiết tốt nhất của nghiên cứu có thể là cơ sở khoa học tiềm năng để ứng dụng chiết xuất hiện đại ở quy mô công nghiệp cũng như tạo tiền đề phát triển thực phẩm chức năng từ lá Đinh lăng.

Nghiên cứu đã tiến hành định nh thành phần hóa thực vật, xác định hiệu suất chiết, định lượng hợp chất phenolic và flavonoid tổng cũng như đánh giá hoạt tính chống oxy hóa in vitro trên hệ DPPH và ABTS của cao chiết lá Đinh lăng ở Việt Nam thông qua phương pháp thông thường và hỗ trợ của vi sóng. Ngoài ra, điều kiện chiết xuất khác nhau (loại dung môi, nồng độ dung môi, tỷ lệ mẫu: dung môi, thời gian và công suất) cũng được khảo sát để xác định điều kiện tối ưu cho cao chiết với hàm lượng TPC, TFC và hoạt tính chống oxy hóa tốt nhất.

Hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết lá Đinh lăng và vitamin C (C - phương pháp thông thường, M - phương pháp hỗ trợ của vi sóng)

Kết quả cho thấy phương pháp hỗ trợ của vi sóng đã cải thiện đáng kể các thành phần hoạt chất trong cao chiết, hiệu suất chiết, TPC, TFC và hoạt tính chống oxy hóa của cao chiết lá Đinh lăng.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Số 26 - 11/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ