Tác dụng chống oxy hóa và điều hòa đường huyết của cao chiết từ hoa cây Đậu biếc
Hoa Đậu biếc chứa nhiều hợp chất tự nhiên như kaempferol, quercetin, myricetin glycoside, anthocyanin, với các hoạt tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm, hạ đường huyết.
Dược liệu là một nguồn chứa các chất chống oxy hóa phong phú trong ngăn chặn tổn thương tế bào do gốc tự do (stress oxy hóa). Cây Đậu biếc (Clitoria ternatea L.) gần đây đã thu hút rất nhiều sự quan tâm do có tiềm năng ứng dụng cả trong y học và công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm với vai trò vừa là chất chống oxy hóa vừa là một nguồn chất tạo màu tự nhiên. Sàng lọc sơ bộ hóa thực vật từ chiết xuất của hoa Đậu biếc cho thấy có tannin, phlobatannin, carbohydrat, saponin, triterpenoid, dẫn chất phenolic, flavonoid, flavonol glycoside, protein, alkaloid, anthraquinon, anthocyanin, glycosid tim, stigmast-4-ene-3,6-dione, tinh dầu và steroid. Nhiều hợp chất tự nhiên như kaempferol, quercetin và myricetin glycosid, anthocyanin đã được phân lập từ hoa Đậu biếc với các hoạt tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, chống viêm và chống đái tháo đường. Đã có một số nghiên cứu về cao chiết nước từ lá và hoa cây Đậu biếc có tác dụng điều hòa đường huyết trên thực nghiệm được gây bởi tác nhân alloxan. Dựa vào những tiền đề này, nghiên cứu tiến hành sàng lọc cao chiết tiềm năng từ hoa Đậu biếc có tác dụng chống oxy hóa và điều hòa đường huyết trên các thực nghiệm in vitrovà in vivo.
Đậu biếc (Clitoria ternatea L.)
Đối tượng và phương pháp: Bột hoa Đậu biếc được sắc với nước và chiết ngấm kiệt với ethanol 45%, thu được cao chiết nước và cao chiết cồn. Tiến hành định lượng flavonoid toàn phần, khảo sát về hoạt tính dập tắt gốc tự do DPPH và hoạt tính ức chế α-glucosidase của các cao chiết. Thử nghiệm dung nạp glucose trên chuột nhắt trắng được áp dụng để đánh giá tác dụng của cao chiết tiềm năng. Kết quả: Hàm lượng flavonoid của cao chiết cồn từ hoa Đậu biếc (5%) cao hơn cao chiết nước (1.73%). Cao chiết cồn có hoạt tính dập tắt gốc tự do DPPH (IC50= 85.89 μg/ml) và hoạt tính ức chếα-glucosidase (IC50 = 56.75 μg/ml) tốt hơn cao chiết nước (IC50 = 118 μg/ml và 169.42 μg/ml, tương ứng). Cao chiết cồn (liều tương đương 2.5 g và 5 g dược liệu/kg) có tác dụng điều hòa đường huyết trong thử nghiệm dung nạp glucose trên chuột.
Kết luận: Cao chiết cồn 45% từ hoa Đậu biếc có tiềm năng để tiếp tục khảo sát tác dụng theo hướng chống đái tháo đường.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - Số 24 - 7/2023