Hiệu quả kinh tế của lúa và mè trong mô hình luân canh lúa - mè tại đồng bằng sông Cửu Long
Mục tiêu của nghiên cứu này là ước tính hiệu quả kinh tế của các vụ sản xuất lúa và vụ sản xuất mè trong mô hình sản xuất luân canh 2 vụ lúa 1 vụ mè ở đồng bằng sông Cửu Long.
Dựa trên số liệu sơ cấp thu thập được từ 191 nông hộ canh tác theo mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ mè năm 2022 tại Đồng bằng sông Cửu Long, thông qua hàm lợi nhuận biên ngẫu nhiên Cobb - Douglas, kết quả phân tích cho thấy hiệu quả kinh tế trung bình của các nông hộ được khảo sát trong nghiên cứu này là 73,28% ở vụ mè, 66,06% ở vụ lúa Đông Xuân và 60,69% ở vụ lúa Thu Đông. Từ kết quả này cho thấy, mức hiệu quả kinh tế của nông hộ còn có khả năng tăng thêm nếu hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ của các nông hộ được cải thiện tối ưu.
Các tỉnh thành tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế về tự nhiên trong sản xuất lúa và các toại cây trồng khác nhau. Để khai thác được những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương và phát triển nông nghiệp bền vững trước bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, các nông hộ tại ĐBSCL cạnh tác lúa theo nhiều mô hình khác nhau, trong đó có mô hình luân canh 2 vụ lúa 1 vụ mè (2L1M).
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (2022), với diện tích trồng lúa gần 4 triệu hecta/năm, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là một trong hai vùng sản xuất mè (vừng) lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, theo các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tại các địa phương, từ năm 2021 đến nay, nông hộ tại ĐBSCL có khuynh hướng giảm diện tích canh tác cây mè khi gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sản xuất và tiêu thụ. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là ước lượng hiệu quả kinh tế cũng như phân tích yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các vụ sản xuất lúa và vụ sản xuất mè của các nông hộ canh tác theo mô hình luân canh 2L1M tại ĐBSCL. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ trên địa bản nghiên cứu sẽ được đề xuất.
Theo kết quả ước lượng mức hiệu quả kinh tế trung bình các nông hộ đạt được dựa trên mô hình dạng Cobb-Douglas, lợi nhuận trung bình bị thất thoát do kém hiệu quả kinh tế ở vụ lúa ĐX, vụ lúa TĐ và vụ mè theo kết quả xử lý số liệu điều tra trực tiếp nông hộ tại ĐBSCL năm 2022 lần lượt là 11,03 triệu đồng/ha/vụ, 10,66 triệu đồng/ha/vụ và 9,54 triệu đồng/ha/vụ.
Kết quả tại nghiên cứu này cũng cho thấy có sự chênh lệch khá lớn về mức hiệu quả kinh tế giữa hộ đạt thấp nhất và hộ đạt cao nhất phản ánh có sự chênh lệnh rất đáng kể về trình độ kỹ thuật sản xuất, khả năng lựa chọn đầu vào tối ưu tương ứng với giá cả trong sản xuất và các yếu tố về đặc điểm KT-XH giữa các nông hộ canh tác theo mô hình luân canh 2L1M tại ĐBSCL. Qua đó cho thấy tiềm năng để cải thiện hiệu quả kinh tế, gia tăng lợi nhuận của các nông hộ là rất lớn nếu cải thiện được hiệu quả kỹ thuật và phân bổ của các nông hộ. Dựa vào kết quả nghiên cứu, để nâng cao hiệu quả kinh tế mô hình luân canh 2L1M tại ĐBSCL, kiến nghị các nông hộ cần chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất, khả năng lựa chọn đầu vào tối nh tương ứng với giá cả các yếu tố đầu vào trong sản xuất cũng như quan tâm đến các yếu tố KT-XH đã được xác định có mối tương quan đến hiệu quả kinh tế các vụ lúa và vụ mè trong mô hình sản xuất luân canh 2L1M.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Số 3, năm 2024